Đầu tư
Hai "siêu" dự án đường vành đai: Đừng vì tiết kiệm trước mắt mà để dân phải sống bất an
Khánh Linh - 06/06/2022 14:55
Thảo luận ở tổ về Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, các đại biểu Quốc hội nhắc nhiều đến tâm tư của người dân.
Tổ 2, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thảo luận sáng 6/6/2022. Trong ảnh: Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đang phát biểu.

Phát biểu tại Tổ 2, đoàn đại biểu TP.HCM về sự cần thiết của Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn TP.HCM nhắc đến những chuyến đi 10 tiếng đồng hồ từ TP.HCM đến Sóc Trăng, An Giang để gặp gỡ người dân.

Chúng ta đi các tỉnh phía Bắc, thấy đường xá thênh thang, có chỗ 6 làn xe, chạnh lòng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi đi các vùng khó khăn, sạt lở, có khi 10 tiếng đồng hồ mới tới Sóc Trăng, chỉ chạy được 30 - 40 km/giờ. Hẹn gặp người dân mà có khi phải để dân đợi 3 - 4 tiếng đồng hồ, rất xót xa. Lần này, Quốc hội sẽ bấm nút cho các dự án hạ tầng giao thông trong vùng, tôi đã hình dung được những gương mặt vui vẻ của người dân”.

Chính vì vậy, một mặt mong rằng, dự án sẽ được Quốc hội thông qua để sớm triển khai, bà Châu tiếp tục đề nghị mở rộng thêm 2 làn xe cho đường Vành đai 3 TP.HCM, có thể chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn đầu tư 4 làn xe như Dự án của Chính phủ.

“Dự án đường vành đai mà chỉ có các điểm dừng khẩn cấp thì chỉ đáp ứng những cấp cứu cấp bách trên đường thôi thì không phù hợp”, bà Châu có ý kiến.

Châu cũng đề nghị xem xét tổng dự toán của các dự án để đảm bảo không lỗi thời khi áp lực lạm phát tăng cao, nếu không sẽ lại rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Sự biến động của giá cả cũng đang khiến đại biểu Trần Anh Tuấn của đoàn TP.HCM lo lắng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đang được phân giao cho các địa phương có dự án đi qua thực hiện.

“Mặc dù, các địa phương đã có cam kết cân đối nguồn ngân sách địa phương để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, nhưng cần trách nhiệm của Trung ương trong việc hỗ trợ địa phương xây dựng cơ chế chính sách, đảm bảo thỏa lòng dân”, đại biểu Trần Anh Tuấn nói.

Trong bối cảnh thị trường biến động, giá cả thay đổi, giá đất tăng hàng ngay, nếu chính sách đền bù chốt theo khung mà không có sự linh hoạt phù hợp thì sẽ rất dễ dẫn đến ách tắc. Thực tế, TP.HCM vẫn vướng những ách tắc trong công tác này dù từng áp dụng các chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hết khung, tối đa cả khung giá đền bù và cả chính sách hỗ trợ

“Địa phương hết sức làm đúng theo quy định, nhưng cũng cần Trung ương hỗ trợ tháo gỡ kịp thời để công tác đền bù giải phóng mặt bằng diễn ra đúng kế hoạch, có mặt bằng cho dự án thi công, thì mới đảm bảo tiến độ”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn TP.HCM cũng mong các dự án hạ tầng giao thông được Quốc hội thông qua để phục vụ ngay được cho phát triển trong khu vực.

Các đại biểu đoàn Hà Nội làm việc tại Tổ 1, sáng 6/6/2022. 

Liên quan đến dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, khi thảo luận tại Tổ, các đại biểu đoàn Hà Nội tiếp tục có ý kiến về việc thực hiện thu hồi, bồi thường, tái định cư dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt  vành đai, đề nghị thực hiện việc này dù tuyến đường sắt này không thuộc phạm vi đầu tư của Dự án.

“Có ý kiến cho rằng, nếu chưa thực hiện giải tỏa cho tuyến đường sắt thì sẽ tiết kiệm được nhiều tiền. Nhưng theo tôi, khoản tiết kiệm đó là trước mắt, nhưng dài hạn chúng ta sẽ mất nhiều hơn, cả con số tuyệt đối và cơ hội. Nhưng hơn hết là sẽ gây ra tâm lý bất an cho người dân. Giả sử thời gian dự kiến sẽ đầu tư tuyến đường sắt là 10-15 năm thì đó là 10-15 năm đau khổ vì chờ đợi của người dân trong vùng dự án”, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội phân tích.

Với quan điểm, không thể vì tiết kiệm trước mắt mà để người dân phải khổ sở, và với tầm nhìn dài hạn, đây là tuyến đường sắt cần phải làm, thậm chí có thể làm sớm, ông Lộc đồng tình với đề xuất của Chính phủ trong thu hồi đất để dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt.

Ông Lộc cũng đề nghị Quốc hội đồng thuận với 2 dự án đường Vành đai, để mở rộng không gian phát triển cho không chỉ Hà Nội và TP.HCM. 

"So với các đô thị trên thế giới, Hà Nội và TP.HCM thuộc diện lớn về quy mô dân số, nhưng đang rất hẹp về không gian, nên cần mở rộng không gian, hình thành các chuỗi đô thị vệ tinh. Khi đó, các đô thị sẽ tiếp tục mở mang, phát triển về công nghiệp, dịch vụ... nhưng không gây quá tải cho trung tâm, mang lại lợi ích phát triển lan tỏa cho các địa phương trong vùng. Đặc biệt, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư vào 2 vành đai là một giải pháp quan trọng, có tính đột phá giúp Hà Nội và TP.HCM tạo ra đà tăng trưởng mới, tiếp tục là động lực dẫn dắt cho nền kinh tế", ông Lộc kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, đoàn Hà Nội cũng nhắc tới các tam giác phát triển Đồng bằng sông Hồng cũng như các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên mà Vành đai 4 sẽ kết nối, lan tỏa, không chỉ mở rộng không gian phát triển, giải quyết được rất nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội.

"Chúng ta cũng cần thống nhất quan điểm, Hà Nội cần đi đầu trong việc xây dựng tầm nhìn phát triển cho các dự án giao thông. Hạ tầng giao thông không chỉ có đường mà còn cả không gian phát triển đi kèm, nền cần có thể không chọn tuyến đường ngắn nhất, địa tầng địa chất đơn giản nhất mà cần nghiên cứu không gian phát triển 2 bên đường để đầu tư đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn trong hệ thống thoát nước, kết nối hai bên đường. Tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng là cách làm cần được triển khai để không bị động trong giải phóng mặt bằng, có quỹ đất sạch để đấu giá, đấu thầu, giải được bài toàn quy hoạch treo, dự án treo, khiếu nại - khiếu kiện kéo dài", đại biểu Nguyễn Trúc Anh phân tích.

Đặc biệt, các đại biểu ủng hộ phương án thực sự dự án theo hình thức PPP. “1/3 vốn ngân sách Trung ương, 1/3 vốn ngân sách địa phương và 1/3 nguồn vốn của nhà đầu tư theo hình thức PPP là công thức tuyệt vời để tạo nên thành công của dự án. Nhưng để đảm bảo sự thành công của Dự án theo đúng nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, các cơ quan nhà nước khi đặt bút ký vào các hợp đồng PPP thì trách nhiệm trước pháp luật phải được bảo đảm như các nhà đầu tư”, ông Vũ Tiến Lộc bổ sung.

Theo tờ tình của Chính phủ, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm, nên việc đầu tư theo hình thức PPP phù hợp với định hướng của Đảng, đồng thời góp phần huy động nguồn lực xã hội giảm áp lực vốn Nhà nước, tận dung được thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân.

Tin liên quan
Tin khác