Doanh nghiệp
Hai tỷ phú công nghiệp đầu tư mở rộng hệ sinh thái
Thanh Hương - 08/06/2021 08:21
Hai tỷ phú Trần Bá Dương và Trần Đình Long vẫn không ngừng mở rộng hệ sinh thái của doanh nghiệp, bất chấp những cản trở do dịch bệnh gây ra.
Nhà máy sản xuất xe Bus của THACO.     Ảnh Chí Cường

THACO rầm rộ các dự án mới

THACO Group mới đây công bố kế hoạch đầu tư của năm 2021 cho 4 lĩnh vực chính lên tới trên 17.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với mức 7.586 tỷ đồng đã thực hiện năm 2020.

Đây mới chỉ tính cho 4 trong 5 lĩnh vực kinh doanh chính của THACO là ô tô - cơ khí, nông nghiệp, bất động sản - hạ tầng và logistics. Còn lĩnh vực thương mại dịch vụ với thương vụ mua lại 100% vốn của E-Mart Việt Nam từ E-Mart Hàn Quốc sẽ hoàn tất các công việc trong tháng 6 này chưa được tính tới.

Ở thương vụ với E-Mart, bước sang năm 2022, THACO sẽ đưa vào hoạt động thêm 3 đại siêu thị mới và tới năm 2025 sẽ kinh doanh 11 đại siêu thị trên cả nước. 

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO cho hay, dù khó khăn vì Covid-19, THACO vẫn đề ra những kế hoạch lớn cho năm 2021 và nỗ lực thực hiện để hoàn thành hành trình chuyển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành. 

Ở mảng kinh doanh chính là cơ khí và ô tô, năm 2021, THACO dự kiến bán 118.746 ô tô các loại. Năm 2020, doanh nghiệp này đã bán được 92.724 ô tô các loại. 

Do đã đầu tư bài bản trước đó và có sự hợp tác với các thương hiệu lớn của thế giới như BMW, Peugeot, Kia, Mazda, Mercedes - Mitsubishi, nên giai đoạn tới, mảng ô tô sẽ tập trung vào phát triển mẫu mới, gia tăng sản xuất linh kiện phụ tùng, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ở mảng nông nghiệp, sau khi hoàn tất tái cơ cấu về mặt sở hữu, THAGRICO đang tập trung mạnh vào chăn nuôi, bên cạnh quản trị hiệu quả mảng trồng trọt đã có. 

“Dù nông nghiệp tỷ suất lợi nhuận thấp, nhưng nếu làm bài bản với phương pháp quản trị công nghiệp quy mô lớn và thực hiện cơ giới hóa thì vẫn thành công”, vị thuyền trưởng của THACO chia sẻ.

Nếu nhìn vào lợi nhuận của mảng nông nghiệp năm 2020 mới chỉ là 26 tỷ đồng và dự kiến năm 2021 là 112 tỷ đồng, người yếu bóng vía hay giới kinh doanh tài chính chắc sẽ không mặn mà đường dài, nhưng với ông Dương lại khác hẳn. 

Dự kiến năm 2021, THAGRICO sẽ đầu tư khoảng 8.920 tỷ đồng cho các mảng trồng cây ăn trái (2.164 tỷ đồng), chăn nuôi bò (2.023 tỷ đồng), chăn nuôi heo (1.042 tỷ đồng) và đầu tư vào Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) 3.691 tỷ đồng. 

Việc tiếp tục đầu tư mạnh cho nông nghiệp trong năm 2021, sau khi đã bỏ ra khoảng 27.000 tỷ đồng trong 2 năm trước đó, cho thấy quyết tâm cũng như sự tin tưởng của THACO đối với nông nghiệp. 

Có xe, có hoa quả cùng heo, bò, chuyện phát triển logistics và thương mại dịch vụ để chủ động vận chuyển cũng như bán chính các sản phẩm của mình là điều tất yếu.

“Sự tích hợp của đại siêu thị cùng với showroom ô tô và các dịch vụ thương mại khác sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng là mục tiêu hướng tới của THACO”, ông Dương nhấn mạnh. 

Hòa Phát - cây thép vươn dài 

Ngày 28/5/2021, Ủy ban Đầu tư nước ngoài Liên bang Australia (FIRB) đã chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần Dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của công ty con tại Australia thuộc Tập đoàn Hòa Phát. Mỏ quặng sắt Roper Valley có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn, với quy mô khai thác 4 triệu tấn/năm.

Ngoài mỏ này, Hòa Phát cũng đang nghiên cứu để mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Australia, nhằm đảm bảo lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của Tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm).

Với thực tế nguyên liệu cấu thành đến 30% giá thép là than luyện cốc đang được nhập khẩu từ Australia, Hòa Phát cũng đang nghiên cứu để mua vài mỏ than luyện cốc tại đây, nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này.

Trước đó, vào tháng 2/2021, Hòa Phát đã hoàn tất việc mua thêm 2 tàu cỡ lớn có tải trọng tới 90.000 tấn/tàu để chuyên chở quặng sắt, than.

Với 2 khu liên hợp gang thép tại Hải Dương và Dung Quất, hàng năm bản thân Hòa Phát cần nhập khẩu cả chục triệu tấn nguyên liệu quặng sắt, than đá, vôi, thép phế liệu ở trong và ngoài nước để đảm bảo hoạt động của mình.

Trong mảng sản xuất thép, Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 có công suất 5,6 triệu tấn HRC đang được khẩn trương chuẩn bị đầu tư để hoàn thành nhà máy cuối năm 2024.

Sẽ có khoảng 1 triệu tấn HRC được Hòa Phát sản xuất ra từ hai đại nhà máy thép của mình tại Dung Quất được đưa vào sản xuất container.

Trước đó, vào tháng 3/2021, lý giải cho quyết định làm nhà máy container, đại diện Hòa Phát cho hay, loại thép sẽ được dùng là thép SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết và hiện Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất đang làm chủ được công nghệ sản xuất loại thép này với giá thành hợp lý, phát huy được thế mạnh của nhà sản xuất thép từ thượng nguồn. Ước tính, sắt thép chiếm 55% giá thành sản xuất container.

Làm ra nhiều thép hơn cũng được xem là một trong những lý do để Hòa Phát tiếp tục tấn công vào mảng bất động sản để tiêu thụ chính sản phẩm mình làm ra và phát huy những thành công đã có với mảng này.

Mới đây nhất, Hòa Phát đã nghiên cứu, khảo sát 3 dự án bất động sản tại Cần Thơ gồm Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy quy mô khoảng 452 ha; Khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô 88,2 ha (trong đó khu nhà ở 58,2 ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30 ha) tại quận Cái Răng; Khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô 6,24 ha tại quận Ninh Kiều.

“Mục tiêu của Hòa Phát là đến năm 2030 thành tập đoàn sản xuất thép lọt vào danh sách 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Tiếp đến là tập trung hoàn thiện thêm nữa hệ sinh thái của Hòa Phát”, Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát cho hay.

Tin liên quan
Tin khác