Hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã) được khởi công năm 2012 và hoàn thành ngày 21/8/2017 đã góp phần tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế Nam Trung Bộ. |
Đèo Cả là hầm đường bộ xuyên núi phức tạp đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ và thi công. Mặc dù nhà đầu tư đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, thi công trong thời gian thần tốc kỷ lục, tiết kiệm tới gần 4.000 tỉ đồng cho nhà nước và nhân dân, nhưng đây là loại hình công trình xuyên núi nên tổng mức đầu tư luôn cao gấp 3-4 lần làm đường bộ thông thường.
Với tổng mức đầu tư cao như vậy, thì mức phí cũng phải cao hơn đường bộ thông thường. Tuy nhiên, từ tháng 09/2017 đến nay, nhà đầu tư hầm Đèo Cả lại chỉ được thu mức phí bằng với mức phí đường bộ thông thường, vì vướng quy định của Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT.
Thông tư này đã “bỏ quên” hạng mục hầm đường bộ, nên cũng không đề ra mức phí phù hợp cho hạng mục này. Chính vì vậy, trong gần 3 năm qua, nhà đầu tư hầm đường bộ Đèo Cả đã phải thu với mức phí trần của Thông tư 35/2016/TT-BGTVT áp dụng chung các dự án BOT cầu, đường, hầm với mức từ 52.000 - 200.000 đồng/xe/lượt (tùy nhóm xem). Điều này dẫn đến tình trạng: Chỉ riêng năm 2018, nhà đầu tư đã “thất thu” tới gần trăm tỉ đồng so với phương án tài chính mà Bộ đã ký.
Tháng 10/2018, ĐBQH Đinh Văn Nhã cũng đã chính thức đưa bất cập này ra chất vấn trước Quốc hội. Sau rất nhiều kiến nghị, kêu cứu, Bộ GTVT đã sửa sai để “trả lại tên cho em” bằng cách tổ chức kiểm tra đánh giá, lấy ý kiến của các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các nhà đầu tư/doanh nghiệp BOT... làm cơ sở ban hành Thông tư số 60/2018 để khắc phục các bất cập về mức phí của Thông tư 35/2016, thực hiện đúng cam kết Bộ đã ký trong hợp đồng tín dụng dự án.
Việc thông xe hầm đường bộ Đèo Cả (trong đó có hầm đường bộ Cổ Mã – nhà đầu tư không thu phí), đã rút ngắn hành trình từ 45 phút xuống còn 10 phút. Nhưng điều đặc biệt hơn là đã giảm thiểu tuyệt đối tai nạn giao thông, đỡ tốn rất nhiều nhiên liệu và thời gian so với đường đèo quanh co hiểm trở. Đây cũng là 1 trong 5 công trình được Bộ Xây dựng vinh danh là công trình tiêu biểu của ngành, nhân dịp 60 năm thành lập ngành.
Phát biểu về việc điều chỉnh giá vé, ông Vũ Minh Hoàng, Phó TGĐ cty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết: “Chúng tôi thực hiện công trình hầm đường bộ Đèo Cả theo đúng nguyên tắc BOT minh bạch: Thứ nhất, đây là con đường độc lập để tài xế lựa chọn; Thứ hai, lúc nào chúng tôi cũng đặt việc hài hòa lợi ích của cả chủ phương tiện và nhà đầu tư lên hàng đầu; Thứ ba, mức phí điều chỉnh về đúng mức mà lẽ ra chúng tôi được thu từ gần 2 năm trước, để nhà đầu tư và ngân hàng không trở thành nạn nhân khi phương án tài chính trong hợp đồng bị phá vỡ.
Ông Hoàng cho biết, khi thực hiện dự án mới, dù luôn thi công thần tốc, nhưng Đèo Cả không quên việc tạo lập cảnh quan, sinh thái đẹp hai bên đường để gia tăng trải nghiệm, cảm xúc cho người tham gia giao thông.
“Thậm chí chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế và đưa vào thi công để tạo cảnh quan, cung đường sinh thái. Khách hàng thấy vui vẻ, thấy lợi ích kinh tế khi đi trên những tuyến đường mình đầu tư thay vì đi đường cũ, thì mình mới phát triển bền vững được. Họ không chọn, thì mình sống với ai?”, ông Hoàng phân tích.