Ngày 24/11/2017, Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về chính sách lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ 0%. Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:
Đúng như nhận định của Đại biểu, khi kinh tế vĩ mô bất ổn định, đồng nội tệ bị mất giá đã khiến người dân mất niềm tin với thị trường, với đồng nội tệ, từ đó chuyển sang nắm giữ ngoại tệ, vàng. Bởi vậy gây ra tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Trong những năm qua, để hạn chế tình trạng đô la hóa, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện chủ trương từng bước chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Thực tế cho thấy, nếu như trong nhiều năm trước đây, lạm phát thường xuyên biến động và ở mức cao thì từ năm 2012 trở lại đây, lạm phát đã được kiểm soát liên tục ở mức thấp, góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kết hợp đồng bộ các giải pháp và công cụ điều hành, nhất là sự phối hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để duy trì sức hấp dẫn của VND so với USD. Vào thời điểm tháng 8/2015, thị trường ngoại tệ trong nước chịu áp lực rất lớn từ biến động bất thường trên thị trường quốc tế (Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ), tỷ giá tăng chạm trần, tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm trần lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm đối với tổ chức vào nửa cuối năm 2015; đồng thời tích cực bán ngoại tệ can thiệp; tích cực truyền thông; từ năm 2016, chuyển sang điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, từ năm 2015 đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường được giải tỏa, thanh khoản thị trường cải thiện, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm (Tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,5% hiện nay).
Mặc dù có những tác động tích cực, góp phần vào bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối, nhưng cũng như bất kỳ một chính sách kinh tế nào khác, khó tránh khỏi những tác động hạn chế như việc người dân không được hưởng lãi suất, có người dân rút tiền gửi ngoại tệ ra tự quản lý, đối mặt với rủi ro... Tuy nhiên, với chủ trương kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất VND luôn hấp dẫn so với ngoại tệ thì người dân chuyển đổi ngoại tệ ra VND để gửi hệ thống ngân hàng sẽ có lợi hơn. Thực tế cho thấy, từ khi áp dụng chính sách lãi suất 0%/năm, kết hợp đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tiền gửi ngoại tệ của người dân giảm nhưng đi đôi là diễn biến các tổ chức tín dụng chuyển từ xu hướng bán ròng ngoại tệ sang mua ròng ngoại tệ, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua được một lượng lớn ngoại tệ trong năm 2016 (9,6 tỷ USD), và tiếp tục mua 7,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2017.
Về ý kiến trong điều hành kinh tế vĩ mô có bất cập lớn, trái ngược nhau giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, mặc dù vẫn còn những hạn chế, bất cập trong điều hành cũng như phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, nhưng những năm qua, việc phối hợp giữa hai chính sách này ngày càng chặt chẽ. Để phục vụ nhu cầu vốn đầu tư phát triển và bù đắp bội chi ngân sách, hàng năm, Chính phủ phải đi vay trong và ngoài nước, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ.
Đối với việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng nội tệ, chính sách tiền tệ đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa trong việc điều tiết tiền tệ, lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ thành công với khối lượng lớn, lãi suất giảm. Đối với ngoại tệ, do Chính phủ huy động chủ yếu từ nước ngoài với kỳ hạn dài, trong khi nguồn vốn huy động ngoại tệ trong nước của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn nên khó có thể dùng nguồn ngoại tệ này để cho Chính phủ vay với kỳ hạn dài. Do không tương đồng về bản chất, kỳ hạn và điều kiện nên khó có thể so sánh về lãi suất huy động ngoại tệ của hệ thống ngân hàng với lãi suất mà Chính phủ đi vay nước ngoài.
Để huy động được nguồn ngoại tệ của người dân, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục điều hành các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức hấp dẫn của VND, phát triển thị trường tài chính để người dân chuyển hóa thành VND, trở thành nguồn lực để góp phần đầu tư, phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy GDP năm 2017 tăng 6,81% chứng minh cho sự phù hợp của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Trên cơ sở ý kiến tâm huyết của Đại biểu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động đánh giá, dự báo và theo dõi sát diễn biến kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế trong và ngoài nước để có phương án, giải pháp điều hành các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp, kịp thời, bao gồm cả chính sách lãi suất tiền gửi USD, bảo đảm ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, hạn chế tình trạng đô la hóa, nâng cao vị thế đồng VND, tăng dự trữ ngoại hối, giảm găm giữ ngoại tệ để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cập nhật và đề xuất chính sách lãi suất tiền gửi USD trong Đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.