Lợi nhuận của Techcombank trong năm 2018 tăng mạnh, một phần nhờ được nới room tín dụng. Ảnh: Đức Thanh |
Hãm đà tăng tín dụng vì quy mô đã quá lớn
Trong buổi họp báo diễn ra đầu tuần này, NHNN đưa ra 3 lý do siết chỉ tiêu tăng tín dụng năm 2019.
Thứ nhất, năm 2018, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 14%, nhưng GDP vẫn tăng 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Thứ hai, tín dụng tăng chậm lại, song tổng quy mô tín dụng trong nền kinh tế ngày càng phình to và đã đạt trên 140%/GDP.
Thứ ba, tín dụng chỉ là một trong nhiều kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Ngoài kênh này, doanh nghiệp còn cần huy động vốn bằng kênh trái phiếu, cổ phiếu…
Cùng với việc đưa ra hạn mức tăng trưởng thấp cho toàn hệ thống, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục cấp hạn ngạch tín dụng cho từng nhà băng, dựa vào tiềm lực tài chính và sức khỏe của từng ngân hàng. Theo đó, ngân hàng nào đáp ứng được chuẩn Basel II (hiện mới có Vietcombank, VIB và OCB được công nhận), thì sẽ có lợi thế hơn trong việc phân giao chỉ tiêu tín dụng.
Như vậy, kịch bản điều hành chính sách tiền tệ năm 2019 của NHNN đã rõ ràng. Trước đó, cuối năm 2018, nhiều ngân hàng vẫn mong chờ NHNN nới room tín dụng hơn cho năm 2019. Với chỉ tiêu eo hẹp này, các nhà băng sẽ phải tính toán lại hướng đi chiến lược theo hướng giảm dần nguồn thu từ tín dụng.
Tập trung cho vay những mảng siêu lợi nhuận
Điều đáng ngạc nhiên là, dù tín dụng chỉ tăng 14%, song nhiều nhà băng vẫn báo lãi khủng trong năm 2018. Chẳng hạn, Vietcombank dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế tới 18.000 tỷ đồng; BIDV thông báo lợi nhuận năm 2018 tăng khoảng 18%. Với các ngân hàng nhỏ hơn, lợi nhuận cũng khả quan không kém, như TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 2.258 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017; Sacombank đạt lợi nhuận hơn 2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch…
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, năm 2019, NHNN sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Những tháng gần đây, lãi suất trên thị trường có dấu hiệu tăng lên. Đây là điều bình thường vì vào cuối năm, nhu cầu vốn của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế gia tăng, buộc các tổ chức tín dụng phải cân đối để đáp ứng. Tuy nhiên, nếu so sánh với đầu năm 2018, khi lãi suất giảm mạnh, thì mặt bằng lãi suất hiện nay cũng chỉ tương đương mặt bằng lãi suất đầu năm 2018, thậm chí thấp hơn.
Tuy vậy, theo phân tích của giới chuyên gia, những ngân hàng có lợi nhuận tăng đột biến (như Vietcombank) một phần không nhỏ là do các khoản thoái vốn, hoặc được nới room tín dụng (Techcombank, MB…), hoặc có thị phần bán bảo hiểm lớn. Trong khi đó, số ngân hàng lãi mạnh nhờ thu dịch vụ chưa nhiều.
Hiện nay, khi đứng trước sức ép phải giảm thu từ tín dụng, nhiều nhà băng đang nhắm tới phát triển lĩnh vực dịch vụ. Tuy vậy, thực tế không thể phủ nhận là, tỷ trọng thu từ dịch vụ trong tổng doanh thu của đa phần nhà băng mới chiếm 10 - 20% và chuyển đổi rất chậm. Sự lột xác trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng chưa thể sớm diễn ra trong năm 2019. Vì vậy, trong bối cảnh tín dụng eo hẹp, ngoài đẩy mạnh thu phí, thì lĩnh vực mà ngân hàng sẽ cạnh tranh khốc liệt trong năm 2019 là bán lẻ (cho vay tiêu dùng, cho vay hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa…), vì đây là lĩnh vực có tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cao nhất.
“Có hai giải pháp mà ngân hàng đang làm để gia tăng lợi nhuận năm 2019. Thứ nhất, phải tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sinh lời cao. Thứ hai, phải cắt giảm tối đa chi phí”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết.
Theo các chuyên gia, do nguồn thu của các nhà băng vẫn chủ yếu trông chờ vào tín dụng, nên bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2019 sẽ khó có đột biến và sẽ được phân hóa rõ nét. Những ngân hàng “khỏe”, cơ bản xử lý được nợ xấu và tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II sẽ được phân giao chỉ tiêu cao và bứt phá mạnh mẽ. Ngược lại, những ngân hàng khác sẽ phải vừa gồng mình tăng vốn, xử lý nợ xấu, vừa phải đối mặt với áp lực cơ cấu lại doanh thu để duy trì lợi nhuận trong bối cảnh chỉ tiêu tín dụng được phân giao ở mức thấp.