Quốc tế
Hàn Quốc "giáng đòn" lên chính sách thanh toán của Apple và Google
Lê Quân - 01/09/2021 13:09
Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng các hạn chế đối với chính sách khấu trừ hoa hồng của Apple và Google.
Apple và Google thường khấu trừ phí hoa hồng lên tới 30% cho mỗi giao dịch trên kho ứng dụng của hai hãng này. Ảnh: Reuters

Khoảng 180 nhà lập pháp Hàn Quốc có mặt đã bỏ phiếu ủng hộ việc thông qua nội dung sửa đổi Đạo luật kinh doanh viễn thông, theo Reuters.

Dự luật được thông qua vào ngày 31/8 và sẽ trở thành luật sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký ban hành.

Apple và Google thường áp dụng chính sách thanh toán buộc các nhà phát triển ứng dụng phải trả phí hoa hồng lên tới 30% cho mỗi giao dịch trên kho ứng dụng của 2 hãng này.

Theo dự luật của Hàn Quốc, các nhà phát triển ứn dụng sẽ có thể tránh được khoản phí hoa hồng phải trả cho các điều hành kho ứng dụng lớn như Apple và Google, bằng cách hướng người dùng thanh toán qua các nền tảng thay thế.

Người phát ngôn của Apple cho rằng dự luật của Hàn Quốc sẽ khiến người dùng có thể bị lừa đảo khi mua hàng hóa kỹ thuật số từ các nguồn khác, làm suy yếu các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của hãng này, gây khó khăn cho việc quản lý mua hàng; đồng thời khiến các tính năng như "Hỏi để mua" (một tính năng chia sẻ trong gia đình để quản lý chi tiêu của trẻ em - BTV) và "Kiểm soát của phụ huynh" trở nên kém hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Apple cũng cho rằng sự tin tưởng của người dùng khi mua hàng trên App Store có thể sẽ giảm đi do dự luật mà Hàn Quốc vừa thông qua.

Trong khi đó, người phát ngôn của Google lý giải, khoản khấu trừ hoa hồng của hãng này "giúp cho Android hoạt động miễn phí, cung cấp cho các nhà phát triển ứng dụng những công cụ và nền tảng toàn cầu để tiếp cận hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới".

"Chúng tôi sẽ cân nhắc thận trọng về cách tuân thủ luật này, đồng thời vẫn duy trì mô hình hỗ trợ hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng chất lượng cao, và chúng tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn trong những tuần tới", đại diện Google nói thêm.

Dự luật được Hàn Quốc xây dựng nhằm ngăn chặn các nhà vận hành kho ứng dụng thống lĩnh thị trường có hành vi ép buộc các nhà phát triển ứng dụng phải sử dụng hệ thống thanh toán của họ và trì hoãn việc đánh giá hoặc chặn ứng dụng "một cách không phù hợp", theo Reuters.

Dự luật cũng cho phép chính quyền Hàn Quốc thực hiện quyền hòa giải các tranh chấp liên quan đến thanh toán, hủy, và hoàn lại tiền trên chợ ứng dụng.

Trước đó, truyền thông đưa tin Ủy ban pháp luật và tư pháp của Quốc hội Hàn Quốc đã phê duyệt nội dung sửa đổi trong dự luật nhằm ngăn chặn các vận hành kho ứng dụng ép buộc các nhà phát triển ứng dụng phải sử dụng hệ thống thanh toán của họ.

Năm ngoái, Epic Games, công ty đứng sau trò chơi Fortnite nổi tiếng, đã xây dựng hệ thống thanh toán trong trò chơi của riêng mình. Trong vài năm gần đây, một số công ty khác như Spotify và Match Group (chủ sở hữu ứng dụng kết bạn trực tuyến Tinder) đã kiến nghị Apple và Google nên để họ sử dụng hệ thống thanh toán của riêng họ.

Người phát ngôn của Match Group bình luận rằng động thái lịch sử ngày 31/8 và sự lãnh đạo táo bạo của các nhà lập pháp Hàn Quốc đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc chiến vì một hệ sinh thái ứng dụng công bằng.

"Chúng tôi mong muốn dự luật nhanh chóng được ký ban hành và kêu gọi các cơ quan lập pháp trên toàn cầu thực hiện các biện pháp tương tự để bảo vệ công dân và doanh nghiệp của họ khỏi những người gác cổng độc quyền đang hạn chế internet", đại diện Match Group cho biết.

Theo ông Daniel Ives, Giám đốc điều hành Bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại Wedbush Securities, các cơ quan chức năng đang mạnh tay hơn đối với các kho ứng dụng và mức phí hoa hồng mà Apple và Google đang thu từ các nhà phát triển ứng dụng, và động thái của Hàn Quốc có thể sẽ là bước đầu tiên hướng tới việc giám sát chặt chẽ hơn.

"Bản thân điều này không nhất thiết phải có ý nghĩa, mà nó tạo ra hiệu ứng gợn sóng vì cho thấy rằng chúng không chỉ là lời nói, mà thực sự là hành động", ông Ives bình luận trên đài CNBC.

Thế nhưng, "câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng cuối cùng sẽ quyết định ra sao. Bởi con đường ít kháng cự nhất là đi qua cửa của Apple và Google - và đó là những gì mà người tiêu dùng lâu nay đã quen", ông Ives lo ngại.

Năm ngoái, Google cho biết họ sẽ thực thi chính sách yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng cung cấp sản phẩm lên kho ứng dụng Google Play, phải sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng độc quyền của hãng này. Điều đó có nghĩa, các nhà phát triển ứng dụng không có các lựa chọn phương thức thanh toán thay thế khác.

Hệ thống thanh toán của Google khấu trừ 30% giá trị của hầu hết các giao dịch mua hàng trên kho ứng dụng của hãng này, tương tự như những gì Apple áp dụng cho App Store.

Động thái trên hứng hàng loạt chỉ trích từ các nhà phát triển phần mềm và cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra khả năng thống lĩnh các điều hành điện thoại thông minh của Apple và Google cùng với mức phí hoa hồng mà họ áp dụng đối với các nhà phát triển ứng dụng.

Phần lớn điện thoại thông minh trên thế giới chạy trên hệ điều hành Android của Google hoặc trên nền tảng iOS của Apple.

Sau phản ứng của các nhà phát triển ứng dụng, hai "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ khẳng định họ sẽ cắt giảm tỷ lệ hoa hồng cho một số nhà phát triển nhất định.

Phía Apple cho biết hãng này sẽ giảm một nửa phí hoa hồng từ 30% xuống 15% cho các nhà phát triển phần mềm có doanh thu ròng hàng năm dưới 1 triệu USD trên App Store.

Tương tự, Google tuyên bố trong tháng 3 rằng họ cũng sẽ giảm mức khấu trừ từ 30% xuống 15% cho doanh số một triệu USD đầu tiên mà các nhà phát triển ứng dụng thu được từ nền tảng Google Play mỗi năm.

Tuy nhiên, Apple tuần trước đã "đổi giọng" và cho biết, thay vì qua cửa Apple, các nhà phát triển ứng dụng trên App Store sẽ được phép gửi email đến người dùng và khuyến khích họ thanh toán trực tiếp - một hành động trước đây luôn bị hãng này "cấm cửa".

Dẫu vậy, nếu người dùng vẫn quen với việc thanh toán qua App Store, các nhà phát triển ứng dụng sẽ vẫn phải bám vào hệ thống thanh toán của Apple và chịu phí hoa hồng.

Tin liên quan
Tin khác