Ngân hàng
Hàng chục nghìn án tín dụng ngân hàng tồn đọng, thi hành án lên tiếng giải thích
T.L - 25/11/2022 16:34
Hàng chục nghìn hồ sơ thi hành án tín dụng ngân hàng đang tồn đọng tại các cơ quan thi hành án. Có vụ việc thời gian thi hành đã đến 10 năm đến nay vẫn chưa xong .
Nhiều ngân hàng và cơ quan thi hành án tham gia Hội thảo "Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD thông qua thi hành án dân sự"  sáng nay tại Hà Nội.

Thi hành án 10 năm vẫn chưa xong, ngân hàng sốt ruột

Đại diện Vietcombank cho hay, vướng mắc phổ biến nhất trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo thông qua thi hành án hiện nay là thời gian thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo còn chậm trễ, kéo dài do sự bất hợp tác của Bên chủ tài sản trong tất cả các bước của quá trình thi hành án.

Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đăk Lăk, Cần Thơ….thời gian thi hành án thường kéo dài từ 20 tháng. Thậm chí có vụ việc thời gian thi hành đã đến 10 năm đến nay vẫn chưa  xong (là trường hợp khách hàng CTCP Thương mại dược phẩm Nhật Tân tại Hà Nội).

Thực trạng này khiến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức tín dụng (TCTD) không được bảo đảm, thời gian thi hành án kéo dài, tốn kém chi phí, giảm giá trị thu hồi nợ, làm tăng nguy cơ gây ra tổn thất cho TCTD cũng như cho xã hội.

Ngoài ra, thời gian thi hành án xử lý tài sản đảm bảo chậm còn một số cơ quan thi hành án chưa thực sự quyết liệt trong việc thi hành án dẫn đến việc thi hành án kéo dài, các quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc, xuất hiện tình trạng chủ tài sản liên tục tạo tranh chấp giả về quyền sở hữu tài sản đảm bảo (khởi kiện ra tòa) để kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo…

Trong quá trình kê biên, xử lý tài sản, nhiều cơ quan chức năng và địa phương cũng chưa phối hợp tốt.  Như vụ việc đang THA của Vietcombank tại Chí Linh do Cục Thi hành án dân sự Hải Dương thi hành, do các chủ tài sản không hợp tác xử lý, Vietcombank đề nghị Cục Thi hành án dân sự Hải Dương thực hiện cưỡng chế, kê biên theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Hải Dương chưa chấp thuận cho Cục Thi hành án dân sự Hải Dương thực hiện cưỡng chế kê biên để thi hành án, dẫn tới quá trình thi hành án bị chậm trễ, kéo dài.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng (Hiệp hội ngân hàng) cho hay, xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án được thực hiện hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong công công tác thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng, son kết quả vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng.

Chỉ tính riêng số vụ án tín dụng, ngân hàng đang chờ thi hành tại Cục Thi hành án dân sự và TP.HCM, con số này đã vượt trên 10.600 vụ việc, số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Số án tồn đọng lớn đã ảnh hưởng đến quyền chủ nợ là các tổ chức tín dụng.

Thống kê của Cục Thi hành án dân sự Tp. Hà Nội cho hay, năm 2022 (từ 01/10/2021 đến 30/9/2022) tổng thụ lý án tín dụng ngân hàng là 5.962 việc với số tiền hơn 36.000 tỷ đồng. Trong đó, số việc có điều kiện thi hành án là 3.483 việc (chiếm 58.41 %). Kết thúc năm, các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 875 việc đạt tỷ lệ 25.12%. Rất nhiều đơn vị thi hành án trong tình trạng quá tải do số vụ về việc và về tiền rất lớn như: Ba Đình, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đông Anh, Đống Đa, Hà Đông, Hai

Một số TCTD có lượng án phải thi hành lớn như: Techcombank (1.153 việc, trên 4.161 tỷ đồng); Agribank (316 việc, trên 4.918 tỷ đồng); Vietinbank (220 việc, trên 1.786 tỷ đồng); BIDV (168 việc, trên 2.937 tỷ đồng); Vietcombank (115 việc, trên 3.847 tỷ đồng); VP Bank (794 việc, trên 2.004 tỷ đồng) ...

Lãnh đạo nhiều ngân hàng và VAMC đều mong mỏi, Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên phối hợp với các TCTD tổ chức các đoàn công tác để làm việc với các cơ quan thi hành án nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xử lý tài sản. Đồng thời, đề xuất Chính phủ và Quốc hội gỡ khó các vướng mắc về quy định pháp luật. 

Con nợ chây ỳ, ngân hàng cũng chưa hợp tác tốt

Lý do khiến số án tín dụng ngân hàng thi hành chậm, theo ông Thái là do lượng án không ngừng tăng nhanh trong khi kinh tế trong nước khó khăn, việc bán tài sản thi hành án không dễ. Chưa kể, nhiều người thi hành án thiếu hợp tác, trốn tránh.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo thi hành án đa số là bất động sản, khả năng thanh khoản kém, có nhiều trường hợp tài sản đảm bảo thi hành án không đủ điều kiện  pháp lý, bị sai lệch dẫn đến khi xử lý phải xác minh, họp bàn, trao đổi mất nhiều thời gian, kéo dài việc tổ chức thi hành án.

Đơn cử, vụ Công ty Tín Phát (khách hàng của BIDV), khi khi chấp hành viên kiểm tra hiện trạng tài sản thì không xác định được vị trí tài sản (thửa đất nằm trong cùng thửa đất với chủ sở hữu trước). Ngân hàng cũng không cung cấp được thông tin, không xác định được vị trí do tại thời điểm vay Ngân hàng không kiểm tra hiện trạng thực tế tài sản, giá trị cho vay cao rất nhiều so với thực tế.   

Hay như trường hợp Vụ Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương Mại AVI Việt Nam (khách hàng của SCB) lại càng trớ trêu hơn: Cục Thi hành án dân sự đã xử lý tài sản đảm bảo, giao cho người mua được tài sản bán đấu giá vào ngày 18/10/2022. Tuy nhiên, sau đó Chấp hành viên đã phân phối tiền thi hành án và nhiều lần gửi  thông báo cho Ngân hàng SCB đề nghị cung cấp thông tin số tài khoản để Cục  chuyển trả số tiền cho SCB, tuy nhiên đến nay SCB vẫn chưa cung cấp.

Với trường hợp Nguyễn Chí Mạnh (khách hàng của Ngân hàng Techcombank), Chi cục THADS huyện Chương Mỹ thi hành tiến hành bán đấu giá tài sản bảo đảm thi hành án 10 lần không thành. Ngày 26/7/2017 Ngân hàng có đơn đề nghị nhận lại tài sản, Chi cục nhiều lần thông báo đề nghị Ngân hàng thanh toán các chi phí thi hành án theo quy định để nhận tài sản, tuy nhiên đến nay Ngân hàng vẫn chưa chuyển trả.

Hiện nay, tài sản đảm bảo thi hành án phần lớn được xử lý thông qua hình thức bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên kết quả thống kê đối với việc bán đấu giá tài sản cho thấy việc giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người mua, giao tài sản sau hai lần giảm giá, bán đấu giá không có người tham gia trả giá, đấu giá cho người được thi hành án nhận để trừ vào tiền được thi hành án đang gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ chậm giao trong thời gian dài.

Hiện số việc chưa giao được tài sản là 153 việc, tương ứng 425.748.770 nghìn đồng) trong đó các nguyên nhân phổ biến và điển hình là người phải thi hành án chống đối; Chưa có sự đồng thuận, nhất trí giữa các ngành liên quan hoặc chưa được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, hoặc của cơ quan liên ngành địa phương dẫn đến việc tổ chức cưỡng chế bị gián đoạn, chưa thực hiện được, vụ việc bị tồn đọng, kéo dài.

Bên cạnh đó, người phải thi hành án, người có tài sản bị kê biên, xử lý lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo liên tục gửi đơn thư đi nhiều nơi, nhiều cấp nhằm tạo sức ép, kéo dài, cản trở việc thi hành án dân sự trong khi giữa các cơ quan liên quan không có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả dẫn đến có trường hợp cơ quan có thẩm quyền trả lời đơn thư với nội dung công văn trả lời không rõ ràng gây hiểu không đúng, phát sinh khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án.  

Tin liên quan
Tin khác