Năm 2023 đã đi qua được hơn 2 tháng, nhưng tất cả các quận/huyện trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa ban hành kế hoạch sử dụng đất năm 2023, dù theo quy định, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các quận/huyện phải được UBND Thành phố phê duyệt trước ngày 31/12 của năm trước đó.
Đây không phải là năm đầu tiên UBND TP.HCM chậm phê duyệt, mà thực trạng này tồn tại từ lâu. Ông Trần Văn Bảy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, nhiều vấn đề người dân bức xúc và cơ quan quản lý nhà nước lúng túng có liên quan đến kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
“Trong quy định pháp luật luôn có một câu là phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nghe thì rất khoa học, chặt chẽ, nhưng thực tế, tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất hàng năm không cao, ý nghĩa cũng không lớn. Chúng tôi không dám nói tình hình cả nước, nhưng riêng TP.HCM chưa bao giờ có kế hoạch sử dụng đất hàng năm ban hành vào đầu năm, bởi quy trình làm, các bước làm mất thời gian, thậm chí giữa năm mới có kế hoạch sử dụng đất”, ông Bảy nói.
Hiện có ba bước trong quy trình lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Thứ nhất, đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất.
Thứ hai, khi chọn được đơn vị tư vấn, một số địa phương phải thông qua Ban Thường vụ hoặc HĐND vì kế hoạch sử dụng hàng năm là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, quá trình duyệt, các địa phương cũng phải chờ cấp vốn để đưa vào kế hoạch sử dụng đất.
“Các khâu chuẩn bị và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm tốn nhiều thời gian, gần như không bảo đảm hoàn thành vào tháng 12 năm trước như quy định”, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nêu.
TP.HCM không phải là địa phương duy nhất xảy ra tình trạng chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Tại Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây, bà Phan Thị Vi Vân, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét lại việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm có mang lại hiệu quả hay không.
Dẫn chứng cụ thể tại địa phương mình, bà Vân cho biết, việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm rất tốn kém kinh phí. Bình Thuận là tỉnh nhỏ, nhưng ít nhất mỗi năm chi 500 triệu đồng/huyện, tương đương toàn tỉnh chi hơn 5 tỷ đồng cho việc lập kế hoạch sử dụng đất, nhưng kết quả thực hiện đối với các loại đất tương đối thấp, trừ đất ở. Trong khi quá trình triển khai tốn nhiều công sức và thường kéo dài đến 6 tháng, nên các quyền của người sử dụng đất bị ảnh hưởng do chậm trễ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.
Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm là căn cứ để địa phương giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng và thu hồi thực hiện dự án. Hàng năm, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nộp đơn đăng ký, trên cơ sở đó, chính quyền cấp huyện lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Sau khi kế hoạch được UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt, địa phương sẽ công bố để người dân nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Nghe qua thì đơn giản, nhưng việc chậm ban hành kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã gây phiền hà cho không ít người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà hoặc sản xuất, kinh doanh. Anh Mai Hải Lạc (ngụ tại huyện Hóc Môn) cho biết, anh đã mất hơn 3 năm nhưng vẫn chưa chưa thể xây nhà vì phải chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện.
Cụ thể, đầu năm 2020, anh đến UBND xã Xuân Thới Thượng đăng ký chuyển mục đích sử dụng 60 m2 đất nông nghiệp sang đất thổ cư để xây nhà. Hơn một năm sau, xã thông báo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Hóc Môn đã được duyệt. Đến năm 2021, anh trực tiếp đến UBND huyện nộp hồ sơ thì nhận được thông báo lô đất của mình được quy hoạch là đất ở khu dân cư xây dựng mới, nên chưa thể chuyển mục đích, phải chờ Thành phố điều chỉnh quy hoạch chung.
Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM đã kiến nghị bỏ quy định này trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bởi thành phố đã có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và 10 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố có thể căn cứ trên các quy hoạch này để kiểm soát việc giao, thuê, chuyển mục đích sử dụng đất.
“Việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm mang tính hình thức. Chưa kể, từ chính quyền thành phố đến sở, ngành và địa phương, mỗi năm đều phải lo tập trung để lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, rất mất thời gian, vừa làm xong năm này đã lo chuẩn bị năm sau”, vị này nói.