Qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II, đã có 43.405 phương tiện, trong đó: 20.510 phương tiện Việt Nam xuất cảnh; 22.895 phương tiện Trung Quốc nhập cảnh, tăng 28,4% so cùng kỳ 2022, trung bình đạt 153 phương tiện/ngày.
Hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 706.643 tấn (Nhập khẩu đạt 510.898 tấn, xuất khẩu đạt 195.745 tấn), tăng 29,2% so cùng kỳ 2022, bình quân đạt: 2.488 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày.
Qua lối mở Km 3+4 Hải Yên: Hàng hóa xuất khẩu đạt 40.733 phương tiện (18.557 phương tiện Việt Nam, 22.176 phương tiện Trung Quốc) chở 685.775 tấn hàng hóa (bình quân đạt 124 phương tiện/ngày, 2.084 tấn/ngày) tăng 175,8% so cùng kỳ 2022. Hàng hóa nhập khẩu đạt 11.647 phương tiện Trung Quốc vận chuyển 35.736 tấn hàng tạp, hàng vải (trung bình 46 phương tiện/ngày) tăng 72,9% so cùng kỳ 2022.
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Quỳnh Nga. |
Đối với hoạt động xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, 11 tháng năm 2023, tổng lượt người xuất nhập cảnh đạt 3.824.667 lượt người. Trong đó: nhập cảnh là 1.908.256 lượt người và xuất cảnh là 1.916.411 lượt người.
Vừa qua, căn cứ nội dung đã thống nhất giữa UBND tỉnh Quảng Ninh với Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và thư trao đổi của Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu thành phố Đông Hưng (Trung Quốc), từ ngày 11/12/2023, khách sử dụng hộ chiếu và sổ thông hành du lịch biên giới chính thức được phép thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (khu vực Bắc Luân II).
Thời gian thực hiện thông quan: Từ 8h00 - 15h00 giờ Hà Nội (tức từ 9h00 – 16h00 giờ Bắc Kinh), bắt đầu từ ngày 11/12/2023. Riêng đối với Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Cửa khẩu Bắc Luân 1), thời gian thông quan, loại hình hành khách thông quan không thay đổi.
Công ty cổ phần XNK quốc tế Tân Đại Dương sẽ bố trí xe điện và người lái xe để trung chuyển khách du lịch qua cầu, đảm bảo thiết lập hồ sơ đăng ký với Trạm quản lý biên phòng hai nước.
Ngoài ra, từ ngày 9/12, ngoài những mặt hàng truyền thống, có thêm 6 mặt hàng gồm: hàng hoa quả, lương thực, thủy hải sản ướp đá, động vật thủy sinh dùng làm thực phẩm, giống cây trồng và thảo dược cũng có thể làm thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc qua cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) ở khu vực cầu Bắc Luân II.
Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (khu vực Cầu Bắc Luân II). Ảnh: Quỳnh Nga. |
Ngày 30/11, cũng tại TP. Móng Cái, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với UBND TP. Móng Cái và chính quyền TP. Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc năm 2023.
Thông qua diễn đàn, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, thương nhân, các hiệp hội ngành hàng cả hai nước có cơ hội được cung cấp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, nhận diện được các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Đồng thời đề xuất các giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy quảng bá, tăng cường tiêu thụ hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và ngược lại
Sau thời gian nghiên cứu nắm bắt thị trường, trao đổi thống nhất và đi đến thỏa thuận hợp tác kinh doanh, tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết thành công 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế về thúc đẩy hợp tác sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thương mại, logictics, nông nghiệp công nghệ cao… Có thể nói, đây là một trong những tiền đề góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong những năm tới qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc).
Từ nay tới cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở tại Móng Cái dự báo sẽ tiếp tục sôi động, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cao điểm đợt Tết nguyên đán 2024.