Mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp vận tải hành khách lúc này là Covid-19 được khống chế càng sớm càng tốt. |
Chưa có số liệu chính thức, nhưng mấy ngày gần đây, tất cả các hãng hàng không đều ghi nhận tình trạng khách hủy chuyến tăng cao bất thường, trong đó có những chuyến bay trên trục Bắc - Nam chỉ đạt khoảng 50 - 60% lượng khách lấp đầy, dù bay vào giờ đẹp. Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang trở lại cảnh thưa vắng khách sau chuỗi ngày ngắn ngủi nhộn nhịp.
Điều đáng nói là, Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn tại các thành phố lớn càng khiến lãnh đạo các hãng hàng không lo lắng bởi dịp cao điểm vận chuyển hè 2021 đang đến rất gần.
Thời gian qua, để thu hút hành khách, các hãng hàng không đã phải chấp thuận bỏ ra rất nhiều chi phí để mở thêm đường bay kết nối với các điểm du lịch; tung ra các chương trình khuyến mãi quy mô lớn hoặc bắt tay với các đơn vị lữ hành tổ chức các chiến dịch kích cầu du lịch.
Trên thực tế, dù lượng khách nội địa trong tháng 4/2021 tăng tới 29% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng do phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá, nên lợi nhuận thực thu của các hãng bay là rất mỏng, không đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra trong cả quý I/2021. Đó là chưa kể, do chưa được khai thác các đường bay thương mại quốc tế, nên hầu hết các hãng hàng không tiếp tục phải cho “nằm đất” nhiều tàu bay hiện đại, trong khi vẫn đều đặn trả chi phí thuê mua tàu bay. Bên cạnh đó, dù đã mạnh tay cắt giảm chi phí, nhưng nhiều hãng hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn. Để tồn tại, họ phải dựa vào các khoản vay thương mại, hỗ trợ của Nhà nước hoặc phải tự bù đắp bằng lợi nhuận từ nghiệp vụ bán và thuê lại tàu bay. Điều này có thể để lại những di chứng tài chính trong dài hạn.
Cần phải nói thêm rằng, trong suốt hơn 1 năm qua, các doanh nghiệp vận tải hàng không đã luôn phải vật lộn với những khó khăn do Covid-19 gây ra. Trong bối cảnh thị trường vận tải hàng không quốc tế chưa biết bao giờ có thể mở lại, thì thị trường hàng không nội địa với các đợt cao điểm vận chuyển hè, vận chuyển Tết âm lịch chính là những cứu cánh lớn nhất cho các hãng bay.
Cho dù không lớn như các đợt xuân vận, nhưng tại Việt Nam, đợt cao điểm vận chuyển hè kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 9 thường đem lại 30 - 35% doanh thu cho doanh nghiệp vận tải hàng không.
Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp vận tải hành khách lúc này là Covid-19 được khống chế càng sớm càng tốt. Với vận tải hàng không, đường sắt, nếu mất nốt đợt vận chuyển cao điểm hè 2021 do dịch bệnh thì đó sẽ là một thảm họa, khiến không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, không thể gượng dậy.
Ngoài việc mất một lượng lớn doanh thu, lợi nhuận, các doanh nghiệp hàng không còn đứng trước nguy cơ cạn kiệt dòng tiền do phải thực hiện việc hoàn trả vé không sử dụng cho khách.
Với các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng đường hàng không - đối tượng bị tổn thương nặng nề trong suốt năm 2020 bởi Covid-19, đây thực sự là đòn giáng mạnh vào tình hình tài chính. Nhiều khoản lỗ lớn chắc chắn sẽ tiếp tục được ghi nhận trong các báo cáo tài chính quý II, quý III/2021, đẩy các doanh nghiệp vào nguy cơ không thể giữ được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không do âm cả vốn chủ sở hữu. Đó là chưa kể đời sống, việc làm của hàng vạn lao động trong lĩnh vực này ngày càng chông chênh.
Vào lúc này, nỗ lực của bản thân doanh nghiệp là chưa đủ. Họ đang cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến sinh tồn dự báo ngày một khắc nghiệt, chưa biết khi nào kết thúc. Đây là thực tế cần phải đối diện và có giải pháp xử lý sớm.
Vào lúc này, không cần đợi doanh nghiệp vận tải hàng không kêu cứu, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét ngay việc kéo dài những khoản hỗ trợ đã được thực hiện khá có hiệu quả trong năm 2020. Quan trọng hơn, Chính phủ cần cân nhắc sớm việc hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp hàng không thông qua các khoản vay ưu đãi, nhất là khi sức chịu đựng của nhiều đơn vị đã chạm giới hạn cuối cùng.