Khung cảnh bắt đầu nhộn nhịp trở lại tại sân bay Tân Sơn Nhất sau khi được nới lệnh giãn cách xã hội, nhất là trong những ngày cuối tuần. |
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 4/2020, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không chỉ đạt 188.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 21.000 lượt, giảm 98% và 99,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng 4/2020, chỉ có 64.000 tấn hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không, giảm 93,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm chưa từng có này xuất phát từ việc thực hiện đợt giãn cách xã hội dài ngày trong tháng 4/2020 và tâm lý e ngại di chuyển của người dân.
Đến nay, tuy dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát tại Việt Nam nhưng khó khăn đối với ngành hàng không vẫn rất lớn. Hơn bao giờ hết, các hãng hàng không nội địa đang bật tung như những chiếc lò xo bị nén lâu ngày, với tất cả nguồn lực chủ quan và khách quan để phục hồi tăng trưởng, bù đắp những tổn thất do dịch bệnh.
Đón lực đẩy từ Chính phủ
Đúng 2 ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 4, các hãng hàng không Việt Nam đã đón nhận một tin vui lớn khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép khôi phục toàn bộ hoạt động vận tải khách trong nội địa kể từ 0h ngày 8/5.
Điều này có nghĩa, các quy định về giới hạn số lượng khai thác tại các đường bay; giãn cách trên máy bay đã được gỡ bỏ, giúp các hãng hàng không bình thường hóa tất cả các hoạt động khai thác thương mại tại thị trường nội địa.
“Ngành hàng không đã được hưởng lợi lớn, trực tiếp từ thành tựu chống Covid-19 của Chính phủ. Việc được khai thác các đường bay nội địa như trước thời điểm dịch bùng phát sẽ giúp các hãng sớm gia tăng dòng tiền, từ đó từng bước vượt quá khó khăn”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Được biết, để gỡ khó cho các doanh nghiệp hàng không, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đang khẩn trương phối hợp với Bộ tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không (giảm phí để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của Covid-19).
Trước đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực hàng không như cho phép các cơ quan, đơn vị được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020, hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020, hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch...
Mặt khác, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cành tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Trước đó, các công ty dịch vụ mặt đất cũng quyết định thực hiện nhiều chính sách để chia sẻ khó khăn cùng với các hãng hàng không. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam AC quyết định miễn giảm giá 7 dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không (bao gồm cả hãng hàng không quốc tế và hãng hàng không nội địa). Việc miễn giảm giá dịch vụ hàng không cho các hãng được thực hiện trong 6 tháng bắt đầu từ tháng 3/2020.
Chờ lò xo bật nén
Đến nay, tất cả các hãng hàng không trong nước đã nhanh chóng khôi phục các đường bay nội địa quan trọng như đường bay trục Hà Nội - TP HCM, các đường bay từ hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước này đến các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, các hãng còn liên tục tiến hành tăng chuyến đến các thành phố du lịch lớn để phục vụ nhu cầu du lịch, thông thương tăng mạnh của khách hàng sau thời gian giãn cách.
Cục Hàng không Việt Nam dự báo sau khi Chính phủ cho phép hoạt động vận tải khách trở lại bình thường, các hãng hàng không Việt Nam sẽ chỉ cần khoảng 1 tháng để cơ bản phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa để kịp phục vụ cao điểm hè 2020, cho thấy sức bật của ngành hàng không đúng như dự đoán trước đó.
“Ngoài ý nghĩa kinh tế, việc các hãng bay sớm khai thác trở lại còn đem đến niềm tin về việc Việt Nam đã trở thành điểm đến an toàn trong con mắt bạn bè quốc tế”, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, việc các hãng hàng không trong nước nhanh chóng nối lại hoạt động bay thưc sự là một cố gắng, nỗ lực rất lớn, bởi ngành hàng không là lĩnh vực chịu tác động trực diện, nặng nề nhất của Covid-19, với tổng tổn thất toàn ngành có thể lên tới hơn 40.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, các hãng đã cho thấy các kịch bản phục hồi sau dịch được nghiên cứu, chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, các hãng hàng khôngđã ngay lập tức tung ra các gói hỗ trợ cùng các sản phẩm thẻ bay, combo... với nhiều ưu đãi hấp dẫn chưa từng có để kích cầu, đón đầu nhu cầu di chuyển của hành khách.
Hơn hết, ngay từ lúc này, bên cạnh sự nỗ lực phục hồi của các hãng hàng không và sự hỗ trợ triệt để từ các cấp trung ương đến địa phương, ngành hàng không nội địa cần hơn bao giờ hết là tâm lý vững vàng của các hành khách.
Sau khi khôi phục các đường bay nội địa, trong tháng 5/2020, Vietnam Airlines sẽ mở thêm 5 đường bay nội địa với giá vé chỉ từ 99.000 đồng/chặng. Các đường bay mở thêm này nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trước tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, cũng như góp phần kích cầu du lịch trước thềm cao điểm hè 2020, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.
Để đảm bảo sức khỏe cho hành khách, các hãng hàng không nội địa đều cam kết tuân thủ chặt chẽ mọi quy trình, hướng dẫn và các yêu cầu phòng chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Yêu cầu giãn cách được dỡ bỏ nhưng tinh thần "chống dịch như chống giặc" vẫn luôn được các hãng hàng không đặt ý thức và đặt lên hàng đầu. Các biện pháp phòng dịch được thực hiện chuẩn chỉnh trên từng chuyến bay, từ việc yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, trang bị nước sát khuẩn trên máy bay, quy trình vệ sinh khử khuẩn các chuyến bay...
“Hàng không chắc chắn sẽ là một trong những “lò xo” có sức bật mạnh nhất, để cùng với cả nước chuẩn bị tốt các điều kiện để bật dậy sau dịch như lời kêu gọi mới đây của Thủ tướng”, một lãnh đạo hãng hàng không cho biết.