Tại phiên chất vấn sáng ngày 10/11, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu thực tế hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong vấn đề đấu thầu và mua bán thuốc. Từ đó ông đặt câu hỏi về vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế với vai trò là quản lý lĩnh vực nhất là trong thời gian khi Nghị quyết 30 với hàng loạt cơ chế đặc thù sẽ có hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đây là những vụ việc “hết sức đau lòng”.
Nhìn nhận về nguyên nhân, ông Long cho rằng, một phần do cơ chế, do sự hướng dẫn và đặc biệt những vi phạm này mang tính cá nhân. Ông lấy ví dụ về quy định về đấu thấu đã có cụ thể nhưng sai phạm vẫn xảy ra.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết Bộ tiếp tục rà soát những hướng dẫn, thể chế liên quan đến quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát mua sắm, đầu thầu, phân cấp phân quyền.
Tư lệnh ngành Y tế cũng lý giải thêm, Bộ Y tế cũng thành lập đoàn kiểm tra, nhưng về chuyên môn, còn quản lý đấu thầu, tài chính là thuộc địa phương. Bộ Y tế cũng đã có văn bản với các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ về những cơ chế áp dụng mua sắm, nhưng các địa phương chưa áp dụng triệt để.
“Tới đây khi có ban hành về nguyên tắc kiểm soát giá, hy vọng các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và mạnh dạn mua sắm trên tinh thần minh bạch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng liệu ngành Y có tính đến việc tách bạch giữa nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ quản trị của lãnh đạo các cơ sở y tế?
Về việc quản lý các bệnh viện công, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải tách bạch giữa quản lý chuyên môn với quản lý tài chính, hậu cần.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay, tại các bệnh viện đều có một phó giám đốc phụ trách tài chính. Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nhân lực ngành Y tế đang thiếu, nhất là nhân lực chất lượng cao, vậy Bộ Y tế có giải pháp gì cho chảy máu nhân lực ngành?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, nguồn nhân lực trong ngành Y tế là hết sức quan trọng. Bộ Y tế luôn quan tâm chỉ đạo đảm bảo đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Cụ thể, trong đào tạo đã triển khai nhiều chương trình tăng chất lượng nhân lực. Có giải pháp thu hút nhân lực y tế công lập. Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp đặc biệt như trực và phòng chống dịch đã được triển khai.
Một số cán bộ y tế công sang tư, nhưng các cán bộ có trình độ chuyên môn cao đều đang làm trong lĩnh vực y tế công lập.
Tới đây theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cơ quan này sẽ tiếp tục đào tạo nhân lực, tăng cường chế độ thu hút, đào tạo và đào tạo lại với trình độ cao hơn. Cố gắng cải cách chế độ tiền lương phụ cấp để cán bộ y tế yên tâm trong công lập.
Cũng về nhân lực y tế, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đặt câu hỏi về việc nhiều bác sĩ liên kết để mở phòng khám riêng, có làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh hay không?
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, khi tổng kết những năm trước đây, vấn đề hành nghề của bác sĩ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, các bác sĩ được hành nghề, làm nghề, mở phòng khám ngoài giờ.
"Chúng ta không nên phân biệt rạch rõi giữa y tế công và y tế tư nhân, bởi chăm sóc sức khỏe cần hài hòa giữa công và tư, miễn sao nâng cao chất lượng", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu quan điểm.
“Nhưng mặt khác, chúng tôi có quy định quản lý thời gian hành nghề, đảm bảo sức khỏe để cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ, nghiêm cấm các đơn vị không thực hiện nhiệm vụ mà đưa ra dịch vụ tư nhân”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Y tế, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho hay, vấn đề ông nêu ra không phải là nói tới sự phân biệt mà ông cho rằng khi bác sĩ được làm thêm như vậy có thể ảnh hưởng tới chất lượng làm việc tại bệnh viện công. Chưa kể có thể còn có tình trạng đưa bệnh nhân từ bệnh viện công ra ngoài phòng khám tư hay một số tiêu cực khác.
Liên quan tới công tác đào tạo nguồn nhân lực, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đang cải cách theo hướng tiếp cận với thế giới. Theo phương thức 6+3, tức là sau 9 năm chúng ta mới có một 1 bác sĩ có thể khám chữa bệnh. Đồng thời đảm bảo nâng cao số lượng chất lượng cán bộ y tế vùng xa, luân phiên đưa bác sĩ trẻ về vùng xa.
Với câu hỏi của đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) về thực trạng y tế cơ sở mỏng, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ còn thấp, Bộ trưởng Y tế thừa nhận việc sử dụng nhân lực còn hạn chế.
Thông thường, một bác sĩ phải có 3-3,5 điều dưỡng mới có thể đảm bảo chăm sóc toàn diện, nhưng thực tế nhiều đơn vị tuyển dụng nhân lực y tế khó khăn, nhất là về tài chính của hệ thống y tế.
“Nhiều đơn vị chưa tính đúng tính đủ về giá, hiện nay giá dịch vụ y tế mới chỉ tính 2/4 yếu tố cấu thành giá nên chưa đáp ứng yêu cầu, chính vì vậy tới đây, chúng ta sẽ cố gắng tăng giá dịch vụ y tế để đảm bảo nhân lực y tế phục vụ một cách toàn diện”, ông Long nói.
Giải pháp ông đưa ra là tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo và sắp xếp việc sử dụng nhân lực ở các bệnh viện một cách phù hợp.
Ông Long cũng nêu thực tế bác sĩ đào tạo 6 năm, tới đây là 9 năm, nhưng khi ra trường chỉ hưởng lương ngang người đào tạo 4 năm. Vì vậy, khi Chính phủ, Thủ tướng ban hành khung trình độ quốc gia thì một bác sĩ khi đào tạo 6 năm sẽ được hưởng lương ở khung mức độ 2 và tới đây sẽ áp dụng.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời về giải pháp cải thiện chất lượng chăm sóc y tế trạm y tế xã và việc thiếu hụt nhân lực y, bác sĩ, trình độ chuyên môn cao ở một số địa phương.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, đến nay y tế tuyến cơ sở, cấp huyện, xã cơ bản đáp ứng trong điều kiện bình thường, tuy nhiên trong thực tế, các cơ sở này không đáp ứng được khi dịch bệnh xảy ra.
Ông cho rằng, y tế cơ sở đã được quan tâm, đầu tư, xây dựng, sửa chữa nhưng một số trạm y tế vẫn chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết, con số này khoảng 20%. Bên cạnh đó, chưa đến 50% số trạm y tế đảm bảo được 80% các dịch vụ y tế tuyến xã. Và thực trạng này diễn ra ngay tại các tỉnh, thành phố lớn.
Bộ Y tế đang xây dựng đề án tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở, như cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức của trạm y tế xã. Theo đó, bố trí cho trạm y tế xã số nhân lực phù hợp với dân số trên địa bàn từng xã, phường.
Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường đầu tư cho các trạm y tế từ nguồn tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới cho những địa phương khó khăn để khắc phục việc này.