Thời sự
Hàng loạt chính sách mới sắp có hiệu lực: Lo ngại khả năng thực thi
Khánh An - 25/04/2015 08:53
Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc kể từ ngày 1/7/2015 nếu những lo ngại về tính hiệu lực của các văn bảnpháp luật được giải tỏa.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, là người mở màn cho nỗi hoài nghi về sự cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam sau ngày 1/7 tới, ngày mà hàng loạt văn bản pháp luật liên quan tới đầu tư - kinh doanh có hiệu lực.

Ông Lịch buộc lòng nói, mặc dù ông cũng như các đại biểu Quốc hội có mặt tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2015, vừa kết thúc 2 ngày làm việc tại Nghệ An, đã nỗ lực hết sức để tạo nên những dấu ấn mới về tư duy thị trường trong các bộ luật này, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, song ông vẫn rất lo ngại khả năng đưa được nội dung của các luật vào cuộc sống.

Các chuyên gia kinh tế thừa nhận, những cải cách thủ tục hành chính hiện tại chỉ mới là một phần trong các việc cần phải làm để cải cách được nền hành chính công

 

Ngay cả với đề nghị tưởng như rất “đương nhiên” của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về việc các điều kiện kinh doanh không đảm bảo các yếu tố về cơ sở pháp lý và mục tiêu thì sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/7 tới cũng không thuyết phục được ông Lịch.

“Nếu thực hiện được phương án như ông Cung nói, thì tôi sẽ bớt nghi ngờ về tính hiệu lực của các luật từ ngày 1/7”, ông Lịch nói.

Sự nghi ngờ của ông Lịch nằm ở chỗ, mấu chốt để thực hiện giải pháp này, cũng như những điểm mới trong các bộ luật trên là cần một nền hành chính công thực sự có năng lực, có trách nhiệm. “Đây đang là vấn đề nổi cộm, nhất là khi chúng ta vẫn đang chứa chấp những tồn tại mà kêu mãi chưa có giải pháp, như là lồng ghép chức năng, nhiệm vụ của Trung ương và địa phương, cứ gọi chung chung là quản lý nhà nước… Nhưng nếu không sửa, thì không cải cách được”, ông Lịch phân tích.

Các chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2015 cũng thừa nhận, những cải cách thủ tục hành chính hiện tại chỉ mới là một phần trong các việc cần phải làm để cải cách được nền hành chính công. Hai bộ phận quan trọng còn lại là bộ máy vận hành và con người. “Các yếu tố này ví như là xích, là nhông, là líp của một chiếc xe. Nếu cũ, thì vẫn có thể chạy được, nhưng không đồng bộ, thì lại không thể vận hành”, ông Lịch nói và hàm ý rằng, nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật rất có thể chỉ là những thay đổi trên văn bản nếu nền hành chính công không được cải thiện đồng bộ.

Sự lo ngại của ông Lịch có thể nói là không hề quá khi ngay trong diễn đàn lần này, có những kiến nghị của đại diện các bộ, ngành về những giải pháp phải làm, mà sau này, được các chuyên gia phân tích là công việc của chính bộ, ngành đó. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi chủ tọa phiên thảo luận về kinh tế vĩ mô cũng đã buộc phải nhắc vị đại diện của một bộ rằng, phải báo cáo đầy đủ thông tin với lãnh đạo về những ý kiến của hội nghị… Nhưng chính ông Giàu khi nghe kiến nghị về việc tuyên bố các điều kiện kinh doanh không đủ điều kiện của Luật Đầu tư sẽ đương nhiên hết hiệu lực cũng phải đặt câu hỏi, ai sẽ làm các việc này.

Ông Nguyễn Đình Cung đã chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là sự ôm đồm công việc của các bộ, ngành, địa phương. “Các bộ đang ở thế 3 trong 1, không tách bạch hoạch định và thực thi chính sách, không tách bạch quản lý hành chính và thực hiện quyền chủ sở hữu, không tách được hoạch định chính sách, cung cấp dịch vụ quản lý hành chính nhà nước với giám sát, thực thi luật pháp, duy trì trật tự thị trường. Vì ôm đồm, nên bộ máy thiếu chuyên trách, thiếu chuyên nghiệp và không kiểm soát được lẫn nhau”, ông Cung phân tích.

Đây cũng là lý do khiến tính chuyên nghiệp và độc lập trong thực thi luật pháp, trong duy trì trật tự thị trường tại Việt Nam kém, làm giảm tính hiệu lực của pháp luật. Đây cũng là nguyên do của 9.000 trang A4 các điều kiện kinh doanh của 267 ngành kinh doanh có điều kiện mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã cất công tổng hợp từ đầu năm đến giờ… Hệ lụy của tình trạng này là thói quen điều hành, điều tiết thị trường bằng mệnh lệnh hành chính của các cơ quan nhà nước và sự rủi ro, chi phí cao trong hoạt động đầu tư, kinh doanh khi thị trường méo mó, kém cạnh tranh…

Thậm chí, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, sự không rõ ràng này khiến ngay cả với các nhiệm vụ cắt giảm thủ tục hành chính mà các bộ, ngành đang đẩy mạnh, không ít tư tưởng cho rằng, đây là hành động vì doanh nghiệp.

“Phải xác định lại rõ, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là một phần, để nâng cao năng lực và hiệu quả của nền hành chính là quan trọng. Khi cắt giảm giờ nộp thuế, nghĩa là sẽ có sự sàng lọc về cán bộ để loại ra những cán bộ thuế sẵn sàng ‘mặc cả cưa tiền thuế’ với doanh nghiệp”, bà Lan nói.

Như vậy, theo ông Cung, hành động cần nhất lúc này là phải thay đổi tư duy về vai trò, chức năng của Nhà nước, để chấm dứt các tình trạng trên. Trong hành động này, ông Cung đang trông vào các đại biểu Quốc hội.

“Đổi mới được căn bản vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức, cách thức làm việc và nâng cao năng lực của Chính phủ, chính quyền địa phương hay không phụ thuộc vào việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương và Luật Ngân sách. Nếu làm được việc này, kỳ họp Quốc hội khóa này sẽ là kỳ họp thành công nhất trong tạo thể chế cho cuộc cải cách kinh tế lần 2 đã được chờ đợi từ nhiều năm nay”, ông Cung nói.

Tin liên quan
Tin khác