| ||
Công chức Hải quan Hải Phòng kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: T.B |
Đại gia cũng “bỏ rơi” hàng
Theo thống kê của cơ quan Hải quan, hiện nay, tại khu vực cảng Hải Phòng có hàng nghìn container hàng hóa quá hạn làm thủ tục hải quan.
Tuy nhiên, việc thống kê cụ thể số lượng bao nhiêu không hề dễ dàng vì luôn có sự biến động giữa các mốc thời gian khác nhau tùy thuộc vào lượng hàng nhập về và hàng hóa được giải phóng.
Nhưng việc thống kê đối với hàng hóa quá hạn từ thời điểm trước ngày 1- 1- 2013 đã được cơ quan Hải quan cơ bản hoàn tất. Các tiêu chí như tên hàng, doanh nghiệp nhận hàng trên vận đơn và phân loại chi tiết hàng hóa… đã được cơ quan Hải quan kiểm tra, phân loại.
Theo đó, số lượng hàng quá hạn nhiều nhất (theo thông tin trên vận đơn) là cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng 2.796 container. Kế đến là các mặt hàng khác như nhựa phế liệu; giấy phế liệu; sắt, thép phế liệu; quần áo các loại; linh kiện, thiết bị điện, điện tử…
Đặc biệt, trong số hàng hóa quá hạn ở cảng Hải Phòng có 183 container của các công ty thuộc Vinashin và Vinaline.
Hải quan Hải Phòng đã kiểm tra khám xét 371 container quá hạn làm thủ tục hải quan và đang tiến hành các thủ tục xử lí những trường hợp vi phạm.
Theo Hải quan Hải Phòng, việc xử lí với các trường hợp quá hạn đang gặp nhiều vướng mắc. Hàng hóa (quá hạn trước ngày 1-1-2013) chủ yếu thuộc danh mục cấm nhập khẩu như cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng, nhựa phế liệu, giấy phế liệu, sắt thép phế liệu… Thực chất các lô hàng này được tạm nhập để tái xuất. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tạm dừng cấp phép kinh doanh tạm nhập tái xuất các mặt hàng này.
Cái khó nữa là chủ thể vi phạm (người gửi hàng, chủ sở hữu) ở nước ngoài đã từ bỏ hàng hóa hoặc không có ý kiến phản hồi khi được cơ quan Hải quan yêu cầu làm việc.
Do đó, cơ quan Hải quan không thể lập biên bản vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử phạt. Theo Hải quan Hải Phòng, trường hợp này chỉ có thể áp dụng hình thức xử lí tịch thu hàng hóa sung công quỹ hoặc tiêu hủy.
Nhưng việc làm trên cũng không dễ dàng vì hàng hóa hầu hết có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng nên cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra hàng hóa để xác định mức độ vi phạm, hoặc áp tải hàng ra khỏi cảng thì doanh nghiệp kinh doanh cảng yêu cầu nộp các loại phí nâng hạ container, phí nhân công, phí lưu kho bãi; doanh nghiệp vận tải thì đòi thu phí lưu vỏ container, cước vận tải biển… Tổng chi phí này cao gấp nhiều lần so với trị giá hàng hóa.
Xử thế nào?
Dù khó nhưng với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao, cơ quan Hải quan thời gian qua vẫn liên tục rốt ráo bàn thảo nhiều biện pháp xử lí.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cuối tháng 9 vừa qua, Cục Hải quan Hải Phòng đề xuất phương án: Thành lập Tổ xử lí do Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng chủ trì phối hợp với Đổi Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).
Đối với mặt hàng lốp cao su đã qua sử dụng, cao su, Tổ có nhiệm vụ thống kê, phân loại hàng quá hạn tại từng cảng, từng hãng tàu. Xác minh, thu thập thông tin, tài liệu từng lô hàng làm cơ sở thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo. Báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng ra quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc trưng cầu giám định.
Xác định cụ thể hành vi vi phạm, đề xuất xử lí dứt điểm theo phương thức cuốn chiếu lần lượt từng lô hàng, từng cảng.
Đối với các mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng nếu hàng về trước ngày 4-4-2013 (thời điểm Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05/2013/TT-BCT quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa) sẽ đề xuất Bộ Công Thương cấp phép trở lại để doanh nghiệp tái xuất hết hàng hóa.
Trường hợp các lô hàng thuộc danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất Đội Kiểm soát hải quan tiến hành xác minh làm rõ và đề xuất xử phạt vi phạm hành chính và buộc tái xuất hoặc tịch thu.
T.Bình (baohaiquan.vn)