Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc). |
Khó đủ đường
Thông tin từ Công ty Nghiên cứu thị trường Momentum Works, nhiều sàn thương mại điện tử đình đám giá rẻ đến từ Trung Quốc đã và sắp ra mắt tại Việt Nam như Temu, Taobao, 1688. Điều này cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ cạnh tranh rất khốc liệt.
Trong đó, Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc) - nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Dù chưa được cấp phép, nhưng Temu đã “âm thầm” tiến vào và làm mưa làm gió ở thị trường Việt Nam nhờ giá cả cạnh tranh khó tin với các chương trình giảm giá lên đến 90%.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thương mại điện tử tại Việt Nam gần như bị chiếm lĩnh bởi các sàn ngoại, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Có thể kể đến như sàn Shopee thuộc Tập đoàn SEA Limited - có trụ sở tại Singapore, nhưng cổ đông lớn nhất là Tencent đến từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó là TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc); Lazada thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc). Shopee, TikTok Shop và Lazada hiện chiếm hơn 90% thị phần tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (nhà sáng lập thương hiệu Meet More Coffee) nhận định, đây là điều rất đáng lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam thuộc ngành hàng thời trang, gia dụng, điện tử…
Những bất lợi được ông Luận đề cập là việc doanh nghiệp Việt phụ thuộc quá nhiều vào các sàn thương mại điện tử nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp Việt muốn kinh doanh trên sàn thì buộc phải tuân theo “luật chơi” của các sàn thương mại điện tử này.
Có thể thấy, sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới là một xu hướng không thể tránh khỏi, nhưng những yếu tố cạnh tranh về giá đang đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt. Chỉ với việc cạnh tranh về giá trên các sàn thương mại điện tử cũng đủ khiến doanh nghiệp Việt “hụt hơi” trong việc vừa giữ chân khách hàng, vừa tìm kiếm lợi nhuận.
Bảo vệ doanh nghiệp
Trước “cơn lốc” hàng giá rẻ, trung tuần tháng 10/2024, Indonesia yêu cầu Alphabet và Apple chặn ứng dụng Temu nhằm ngăn người dùng sử dụng các nền tảng trực tuyến này, dù chính quyền chưa ghi nhận bất kỳ giao dịch nào của người dân với Temu.
Còn tại Đông Nam Á, sau một tháng đặt chân vào Thái Lan, nước này áp thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả gói hàng nhập khẩu có giá dưới 1.500 baht (42 USD).
Các nhà bán lẻ châu Âu cũng bày tỏ sự quan ngại khi các nền tảng thương mại Trung Quốc như Temu và Shein có thể bán với giá rất rẻ cùng với tốc độ giao hàng rất nhanh khiến các nền tảng nội địa không cạnh tranh nổi. Năm 2024, EU đưa Temu vào diện các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu cần được giám sát chặt chẽ.
Ngày 23/10/2024, Sở Công thương TP.HCM có Công văn số 6934/SCT-QLTM gửi Bộ Công thương kiến nghị rà soát các trang thương mại điện khuyến mãi “khủng”, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đồng thời, Sở Công thương TP.HCM đề xuất rà soát quy định pháp luật về thương mại điện tử hiện hành; kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới quốc tế.
Cũng theo Sở Công thương, các cơ quan chức năng phải sớm hoàn thiện quy định và chính sách thuế, đảm bảo các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài có cơ chế nộp thuế đầy đủ khi kinh doanh tại Việt Nam; thu thuế công bằng đối với sản phẩm nước ngoài bán tại Việt Nam thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Về phía Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Chủ tịch Nguyễn Ngọc Dũng cho hay, hiện tại, các nền tảng này chưa xác nhận sẽ vào thị trường Việt Nam, mà chỉ áp dụng bán hàng xuyên biên giới. Thông qua mạng xã hội, các nền tảng này tiếp cận người tiêu dùng với những chương trình giảm giá sâu để thu thập tệp người dùng rộng lớn.
“Tôi nghĩ, việc áp dụng nhiều chương trình giảm giá lên đến 90% của một số sàn thương mại điện tử Trung Quốc hiện chỉ mang tính thăm dò, chưa có hoạt động rõ ràng… Đây là câu chuyện chưa hồi kết, nên chưa thể đánh giá một cách cụ thể. Do đó, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các sàn thương mại điện tử này sẽ phát triển ở Việt Nam như thế nào. Có thể, các đơn vị này thu thập 5-7 triệu thành viên, rồi tăng giá bán và cũng có thể là rút lui”, ông Dũng chia sẻ.
Không chỉ là Shopee, Tiktok, Lazada, hay Temu, Taobao, mà sẽ còn nhiều thương hiệu mới tham gia thị trường Việt Nam thời gian tới. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh đầu tư máy móc, thiết bị; đảm bảo chất lượng sản phẩm; rút ngắn thời gian vận chuyển; chế độ bảo hành hợp lý… để gia tăng khả năng cạnh tranh.