Theo kết quả giám sát 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh vừa được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tính đến cuối năm 2014, các nông, lâm trường quản lý, sử dụng đất đai dưới hình thức tự tổ chức sản xuất và giao khoán 7.431.820 ha; liên doanh, liên kết 42.510 ha; góp vốn để sản xuất, kinh doanh 508 ha; cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái pháp luật 14.629 ha; bị lấn chiếm, tranh chấp, chồng lấn chưa giải quyết xong 78.486 ha; chưa sử dụng, sử dụng, sử dụng vào các mục đích khác 428.515 ha.
“Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên, trong thời gian dài và nhiều vụ việc lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật diễn biến phức tạp”, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết và thông tin thêm, tình hình vi phạm chính sách đất đai diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ.
“Hiện cả nước có 54 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang vi phạm chính sách đất đai, trong đó diện tích có tranh chấp 18.315 ha; 76 đơn vị xảy ra tình trạng lấn chiếm, với diện tích 59.668 ha; 34 đơn vị đang cho mượn, chuyển nhượng đất, với diện tích 5.034 ha; 6 đơn vị đang cho thuê lại đất với diện tích 8.764 ha”, ông Phước cho biết thêm.
Còn về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Phước cho biết, tổng giá trị tài sản của các công ty nông nghiệp là 39.773 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 23.170 tỷ đồng (trong đó, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VNR) là 32.326 tỷ đồng và 17.607 tỷ đồng). Trong 10 năm qua, các công ty nông nghiệp nộp ngân sách nhà nước 1.533 tỷ đồng, thu được lợi nhuận 3.701 tỷ đồng, trong đó, VNR nộp ngân sách nhà nước 1.308 tỷ đồng, thu được lợi nhuận 3.371 tỷ đồng. Như vậy, nếu không tính VNR, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty nông nghiệp gần như là con số không.
Còn đối với công ty lâm nghiệp, trong 10 năm vừa qua, doanh thu bình quân chỉ đạt 17,2 tỷ đồng/đơn vị; lợi nhuận bình quân đạt 1,86 tỷ đồng/đơn vị. “Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty lâm nghiệp tiếp tục có sự biến động và nhiều công ty hoạt động ngày càng khó khăn hơn”, ông Phước cho biết.
“Bình quân mỗi năm, các nông, lâm trường đang quản lý hàng triệu héc-ta đất, nhưng chỉ nộp ngân sách nhà nước 180 tỷ đồng, không bằng số nộp ngân sách của một doanh nghiệp cỡ vừa. Còn nếu chia ra, quản lý, sử dụng 1 héc-ta đất, các nông, lâm trường nộp ngân sách 90.000 đồng/năm, chỉ bằng yến gạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh yếu kém như vậy thì nên đặt vấn đề tiếp tục giao đất cho nông, lâm trường quản lý, sử dụng hay giao trực tiếp cho người dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.
Là người từng có nhiều năm làm quản lý nông, lâm trường quốc doanh tại Yên Bái, ông Hiển thẳng thắn chỉ ra rằng, trước đây, Nhà nước quản lý rất chặt chẽ và trên thực tế, nông lâm trường đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, giải quyết việc làm không chỉ cho người dân địa phương và người dân các nơi khác di cư đến.
“Nhưng kể từ khi đất đai được quản lý theo Luật Đất đai năm 1987, sau đó là Luật Đất đai năm 2003, việc quản lý nông, lâm trường bị buông lỏng. Hậu quả là, không chỉ hiệu quả sản xuất, kinh doanh vô cùng thấp, mà đã xảy ra tiêu cực, như đất đai công thổ bị lấn chiếm, mua bán trái phép, nhiều nông trường không làm gì ngoài việc “phát canh thu tô” diện tích đất đai được Nhà nước giao quản lý, sử dụng”, ông Hiển bức xúc.
Bộ Quốc phòng là cơ quan có khá nhiều nông, lâm trường quốc doanh. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, trong thời kỳ chiến tranh và sau giải phóng, rất nhiều nông, lâm trường thuộc Bộ Quốc phòng đã đóng góp rất lớn trong việc tạo việc làm, thu nhập cho người lính sau khi giải ngũ và bà con dân tộc thiểu số tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nhưng sau khi bắt đầu chuyển đổi, hoạt động sản xuất, kinh doanh lao dốc và đến bây giờ thì: “Nhiều nông, lâm trường đã bán hết đất đai rồi. Người dân nhận đất giao khoán cũng bán hết rồi. Bán hết đất đai, người dân lại đi phá rừng làm nương rẫy”, ông Sơn nói.
Chỉ ra nhiều nông, lâm trường đã từng là “địa chỉ đỏ”, đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ…, nhưng bây giờ, chỉ còn tồn tại mỗi cái tên và “quá khứ hào hùng”, ông Sơn cho rằng, phải thay đổi mạnh mẽ phương thức quản lý, quản trị đối với nông, lâm trường quốc doanh.
“Tất cả nông, lâm trường phải chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, phải tự chủ hoàn toàn, phải đóng góp bình đẳng vào ngân sách nhà nước như các thành phần kinh tế khác. Đơn vị nào không chịu được thì giải thể, giải tán, giao đất trực tiếp cho người dân có nhu cầu”, ông Sơn đề xuất và cho rằng, nếu không đổi mới ngay, hàng triệu héc-ta đất đai tiếp tục bị nông, lâm trường “tư nhân hóa”, cho thuê, “phát canh thu tô”.