Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2023 có 1,52 triệu cá nhân có đăng ký thuế nhưng không đăng ký kinh doanh, xấp xỉ số hộ đăng ký kinh doanh (1,92 triệu) và bằng 1,6 lần số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 807.000 cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu. Số cá nhân kinh doanh đóng góp 184.000 tỷ đồng tiền thuế. Nhưng vẫn còn hàng triệu cá nhân kinh doanh hiện vẫn không đăng ký kinh doanh, cũng không nộp thuế.
Tại tọa đàm “Quản lý đăng ký kinh doanh và mô hình kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số”, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đều khẳng định, bên cạnh mô hình kinh doanh hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp… thì hàng triệu cá nhân kinh doanh kiểu “buôn thúng bán mẹt” online có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm đang ngày càng phổ biến. Vì vậy, cần có các quy định pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh cho cá nhân.
Tọa đàm “Quản lý đăng ký kinh doanh và mô hình kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số”. |
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng Facebook, Zalo, Instagram… đang thu hút hàng triệu người tham gia. Tuy nhiên, hầu hết cá nhân không đăng ký kinh doanh. Khi cá nhân đăng ký kinh doanh sẽ được nhà nước ghi nhận: tính hợp pháp, được bảo hộ, được hưởng các chính sách hỗ trợ, bảo vệ khi xảy ra tranh chấp. Về phía các cơ quan nhà nước có thông tin để hỗ trợ, điều phối, kiểm tra, quản lý, giám sát quá trình hoạt động kinh doanh. Mặt khác, việc đăng ký kinh doanh sẽ bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cá nhân không đăng ký kinh doanh sẽ không được hưởng các chế độ hỗ trợ của nhà nước, yếu thế khi xảy ra tranh chấp. Cá nhân không đăng ký kinh doanh thì cơ quan quản lý nhà nước không có số liệu về cá nhân kinh doanh, không đánh giá được đầy đủ nền kinh tế; không kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, hình thức giao dịch, giá cả hàng hóa; không giám sát được tình hình hoạt động; thất thu thuế; khó giải quyết được các vụ việc tranh chấp, lừa đảo...
Trên cơ sở đó, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh kiến nghị xây dựng một văn bản tầm Nghị định để quy định về địa vị pháp lý và các vấn đề liên quan đến cá nhân kinh doanh. Trong đó, làm rõ địa vị pháp lý của cá nhân kinh doanh, các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh về cá nhân kinh doanh; Phân biệt được ba loại hình: doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Xác định được động lực để khuyến khích cá nhân kinh doanh được chính thức hoá; Làm rõ trường hợp cá nhân kinh doanh được miễn đăng ký kinh doanh…
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này, ông Trịnh Đức Chiều, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, ở Mỹ là mô hình cá nhân sở hữu tổ chức kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Hay như ở Nhật Bản là doanh nghiệp một chủ hoặc doanh nghiệp tự làm chủ. Ở Trung Quốc là một thực thể kinh doanh do duy nhất môt cá nhân đứng tên hợp pháp làm chủ, sở hữu toàn bộ tài sản và chịu trách nhiệm về các khoản lãi hoặc lỗ trong quá trình kinh doanh bằng tài sản của mình.
"Quản lý đối với cá nhân kinh doanh rất đơn giản, chủ yếu là điều kiện kinh doanh. Còn hoạt động của cá nhân kinh doanh tuân thủ các văn bản pháp luật chuyên ngành như lao động, môi trường, bảo hiểm, cháy nổ... Phần lớn thuế đối với cá nhân kinh doanh là thuế thu nhập cá nhân đổi với phần thu nhập mà chủ sở hữu cá nhân kinh doanh có được từ cơ sở kinh doanh đó", ông Chiều cho biết.
Chia sẻ về các loại hình pháp lý để đăng ký cho cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, ông Dobromir Christow, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết, có 4 loại hình doanh nghiệp cơ bản hiện hành gồm: doanh nghiệp tư nhân - Hộ kinh doanh - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - Công ty đơn giản của Liên hợp quốc (Mô hình UNCITRAL).
“Việt Nam nên quy định đầy đủ 4 hình thức pháp lý về doanh nghiệp này trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Đồng thời, cung cấp sự lựa chọn và tính linh hoạt tối đa cho 3 hình thức hiện có: Chủ sở hữu duy nhất, doanh nghiệp gia đình và LLC (Limited Liability Company) thành viên đơn lẻ. Xem xét mô hình Công ty đơn giản hóa của UNCITRAL (Mô hình Liên hợp quốc), trong một luật mới hoặc trong một chương mới của Luật Doanh nghiệp", ông Dobromir Christow khuyến nghị.