Tiêu dùng
Hàng Việt bao phủ chuỗi bán lẻ nội địa
Thế Hoàng - 19/11/2024 09:15
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đưa cán cân thương mại xuất siêu liên tục từ năm 2016, giúp hàng Việt tăng độ phủ trong hệ thống bán lẻ nội địa.

Năng lực sản xuất “thăng hạng”

Sau 15 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (2009 - 2024), năng lực sản xuất trong nước đã được “thăng hạng”. Nhờ năng lực sản xuất không ngừng mở rộng, không chỉ đảm bảo cung ứng hàng cho tiêu dùng nội địa, mà còn ghi đậm tên Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lượng hàng hóa xuất khẩu gia tăng đáng kể, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ chạm mốc 400 tỷ USD vào cuối năm nay.

Được khởi động từ năm 2009, sau hành trình 15 năm thực hiện, Cuộc vận động đã giúp người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng về khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng tăng cường chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Cuộc vận động được thực hiện 15 năm qua đã góp phần đưa thị trường trong nước trở thành “tuyến phòng ngự” và “bệ đỡ” vững chắc, là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Năm 2009, Bộ Chính trị phát động chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công thương, sau 15 năm triển khai vận động, tỷ lệ hàng Việt hiện chiếm hơn 80% tại các siêu thị và hơn 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống, ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.

Theo Báo cáo của Bộ Công thương, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay liên tục tăng trưởng khoảng 10%/năm. Chỉ số Giá tiêu dùng từ mức lạm phát phi mã 19,8% vào năm 2008, đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay.

Cùng đó, tỷ lệ nhập siêu giảm, tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016. Hàng Việt tại các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, đạt trên 80% tại các siêu thị và từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống.

Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn, đạt 80 - 90%, như Co.opmart (90%), WinMart (90%), BRG Retail (80 - 90%)... 

Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MM Mega Market, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương…) và giữ một tỷ lệ nhất định hàng Việt Nam trong kênh phân phối.

Khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ rõ, đa số người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua, có thương hiệu uy tín, sản phẩm đa dạng chủng loại, giá bán cạnh tranh. Qua đó cho thấy, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng đón nhận, sử dụng hàng Việt.

Đến nay, nhiều chuỗi cung ứng trong nước được hình thành, như chuỗi cung ứng điện, khí LNG, điện tử, thép, dệt may - thời trang, da giày, đồ gỗ… Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2023, có khoảng 63,3% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào của doanh nghiệp Việt Nam (năm 2010, tỷ lệ này chỉ đạt 12,4%). Tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và bền vững qua các năm.

Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp sở hữu năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá, đứng vị trí thứ 44 trên thế giới vào năm 2018 và đứng thứ 30 vào năm 2021.

Nâng cao chất lượng hàng Việt, thích ứng rào cản mới

McKinsey dự báo, doanh thu tạo ra từ các sản phẩm phát thải ròng bằng 0 có thể đạt 12.000 tỷ USD mỗi năm từ năm 2030, cho thấy tiềm năng lớn từ sản xuất xanh. Vì vậy, các doanh nghiệp toàn cầu luôn tiên phong tìm kiếm các giải pháp xanh, bền vững.

Khảo sát về hành vi của người tiêu dùng liên quan tới môi trường và phát triển bền vững của Rakuten Insight và The Economist cho thấy, 84% số người Việt tham gia khảo sát sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững.

Bà Tô Thị Bích Châu, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh, các tiêu chuẩn kỹ thuật mới được đặt ra ngày càng nhiều hơn, doanh nghiệp cần chủ động, nhanh nhạy hơn để sản phẩm cạnh tranh được với hàng nhập khẩu ngay tại nội địa cũng như xuất khẩu.

“Mấu chốt vẫn là chuyển đổi sản xuất theo hướng mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt qua thương mại điện tử và chuyển đổi sang sản xuất xanh hơn, cắt giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng… để khai thác xuất khẩu cũng như cạnh tranh trong nước hiệu quả”, bà Châu nói.

Thực tế, cuộc đua giành thị phần giữa doanh nghiệp nội địa và nước ngoài vẫn rất gay gắt, khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó trong việc duy trì hệ thống bán lẻ, mở rộng thị phần. Xu hướng mua sắm trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, cùng sự xuất hiện của nhiều nền tảng mới đến từ nước ngoài như Shein, Temu, Taobao, AliExpress… tạo sức ép lớn, buộc các doanh nghiệp nội phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đa dạng kênh kinh doanh.

Các chuyên gia đến từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh, đầu tư đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường là hướng đi đúng đắn giúp doanh nghiệp duy trì tăng trưởng trưởng bền vững.

Tin liên quan
Tin khác