- Không chủ động thì cơ hội từ EVFTA vẫn là trên... giấy
- 54 quốc gia ký kết Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA)
- EVFTA chưa tạo bùng nổ đơn hàng dệt may xuất khẩu
- EVFTA tạo lợi thế thuế quan cho cá ngừ Việt Nam
- Việt Nam và Armenia nhất trí tập trung triển khai FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu
Giày dép, túi xách là những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được các thị trường lớn ưa chuộng. Ảnh: Đức Thanh |
Khai thác tốt thị trường
Xuất khẩu hàng hóa của cả nước 6 tháng đầu năm 2019 đạt 122,72 tỷ USD, trong đó, những thị trường xuất khẩu lớn tiếp tục được doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khai thác tốt đơn hàng.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng tốt. Trong đó, phải kể đến xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,68 tỷ USD, tăng 9,1%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,0%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 13,067 tỷ USD, tăng 6,7%.
Kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ năm 2018 đạt khoảng 60,28 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ.
Nguồn: Cẩm nang xuất nhập khẩu - Bộ Công thương
Đối với ngành dệt may, theo thông tin từ ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng qua đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. 5 thị trường xuất khẩu chính đều có mức tăng 4,5 - 11,7% và Mỹ là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất.
“Đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ hiện đã được các doanh nghiệp trong Tập đoàn ký kết đến hết quý III/2019”, ông Hiếu cho biết thêm.
Cùng với dệt may, mặt hàng gỗ cũng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cao sang Mỹ. 6 tháng qua, giá trị xuất khẩu gỗ ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Nếu duy trì được đà này, chắc chắn trong năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ sẽ lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD (năm 2018, xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ đạt 3,9 tỷ USD).
Sau khi vượt EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày trong năm 2018, với giá trị xuất khẩu gần 5,82 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2017, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp da giày đã xuất khẩu 3 tỷ USD giày dép sang Mỹ.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn TBS (Bình Dương) cho biết, không chỉ giày dép, túi xách cũng là mặt hàng được thị trường Mỹ ưa chuộng. Các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn dành cho nhà cung cấp Việt Nam những đơn hàng dài hạn và lớn so với năm trước. Đây là động lực để xuất khẩu những tháng cuối năm tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng vượt kỳ vọng.
Nhà cung ứng ngày càng chuyên nghiệp
Lượng hàng hóa gia tăng xuất khẩu sang Mỹ được ghi nhận thông qua những con số tỷ USD đã cho thấy, Việt Nam đang là một trong những nguồn nhập khẩu ngày càng lớn của Mỹ tại châu Á. Điều này không tự nhiên đến, mà là kết quả từ cả quá trình hội nhập của Việt Nam, với sự trưởng thành của nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn, không chỉ về năng lực cung ứng hàng hóa chất lượng, mà còn đủ tầm là đối tác thương mại lớn của các nhà nhập khẩu từ xứ sở cờ hoa.
Bloomberg mới đây đưa ra dự báo, nếu giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trong cả năm 2019, Việt Nam có thể bỏ xa Italia, Pháp, Anh và Ấn Độ, vươn lên vị trí thứ 7 trong nhóm những quốc gia xuất khẩu hàng đầu tới Mỹ.
“Trước đây, Việt Nam chỉ đứng thứ 12 trong danh sách này, với giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đạt 49,2 tỷ USD”, Bloomberg nêu.
Bloomberg cho rằng, động lực chính cho sự tăng trưởng này xuất phát từ nguồn nhân công giá rẻ, môi trường kinh doanh dần được cải thiện, đi kèm với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.