Tiêu dùng
Hàng Việt và áp lực giữ sân nhà
Thế Hoàng - 31/08/2021 08:52
Hàng Việt Nam đứng trước nhiều cạnh tranh trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu “đổ bộ”, giá ngày càng rẻ hơn nhờ được tạo thuận lợi thương mại và giảm thuế theo các hiệp định thương mại tự do.
Các sản phẩm sữa Việt có chất lượng tốt và được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn       Ảnh: Đức Thanh

Hàng nhập khẩu đổ bộ

Việt Nam không chỉ là thị trường nhập khẩu các loại hàng hóa có giá trị lớn như ô tô, máy móc, thiết bị, hàng điện tử…, mà còn đang trở thành điểm đến thường xuyên của nhiều nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như rau quả, thịt, cá, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng - giải trí, đến sản phẩm định hình phong cách sống (mỹ phẩm, giày dép, sản phẩm may mặc…).

Sức ép giữ thị phần hàng Việt tại thị trường nội địa ngày càng gay gắt do 14 FTA đã đi vào thực thi, nhất là tới đây, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, hàng từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản… vào Việt Nam ngày càng dễ dàng, với giá cả cạnh tranh.

Khoảng 5 năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản liên tục tổ chức các chuỗi sự kiện lớn, đưa sản phẩm thiết yếu vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh việc tiêu thụ qua các chuỗi bán lẻ như Aeon,

Panpan, Daiso, Muji, Takashimaya, Ministop…, hàng nông sản của Nhật Bản như gạo, thịt bò, cá… đều được phân phối trong các chuỗi nhà hàng Nhật, tạo nên xu hướng tiêu dùng hàng Nhật đối với một bộ phận người tiêu dùng trong nước.

Ở phân khúc hàng may mặc, thời trang, các nhãn hàng lớn như H&M, Tokyo Life, Uniqlo… cũng không bỏ lỡ thời cơ khi liên tục khai trương cửa hàng mới tại 2 thành phố trọng điểm có sức mua lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Ông Abe Tomofumi, Giám đốc Dự án của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội nhận định, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Đó là lý do liên tiếp 6 năm qua, Jetro Hà Nội đều bắc cầu đưa doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản đến Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản không giấu tham vọng khi đưa các sản phẩm hàng tiêu dùng chất lượng, nổi trội, để tận dụng sức mua tăng nhanh của thị trường Việt Nam.

Hàng Thái Lan cũng là mối nguy lớn của hàng Việt trên “sân nhà”, khi được sự hậu thuẫn từ hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, như siêu thị MegaMarket, Big C, hệ thống cửa hàng tiện lợi Bmart, Robinson...

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến (bánh tráng, bún phở tươi và khô…) tại Bình Dương cho biết, dù đã đưa được sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn như BigC, Coop.Mart và chuỗi cửa hàng riêng, nhưng không dễ để giữ hàng trên kệ siêu thị lớn, nếu doanh số bán hàng chậm tăng trưởng, doanh nghiệp không liên tục có thêm các dòng sản phẩm mới, cải tiến, nâng cao chất lượng…

Chủ động vượt qua thách thức

Điều đáng mừng là, trước áp lực của “cơn lốc” hàng ngoại, vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt đạt mức tăng trưởng cao. Có thể kể đến các thương hiệu Vinamilk, Nutifood, TH True Milk… trong nhóm thực phẩm đồ uống, dinh dưỡng. Bên cạnh đó, Vissan, Hảo Hảo, Ace Cook, Bích Chi, Lộc Trời… cũng là những thương hiệu thực phẩm, hàng tiêu dùng được người Việt lựa chọn nhiều nhất. Các doanh nghiệp này liên tục mở rộng quy mô; kết quả kinh doanh ở cả trong và ngoài nước đều tăng trưởng cao. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2021, Vinamilk đạt doanh thu 28.906 tỷ đồng, trong đó, thị trường nội địa đóng góp tới 24.430 tỷ đồng.

Ngay cả trong thời điểm Covid-19 bủa vây, nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo ra những sản phẩm mới chinh phục thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản mùa dịch, như Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu với sản phẩm bánh mì thanh long; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh với sản phẩm bún khô dưa hấu, bánh tráng thanh long…

Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh cho biết, các sản phẩm mới này đều được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đạt chuẩn Mỹ, EU để vừa bán tại thị trường nội địa, vừa xuất khẩu, góp phần gia tăng giá trị cho nông sản trong nước trong giai đoạn dịch bệnh. Hiện sản phẩm bún khô dưa hấu, bánh tráng thanh long và 65 sản phẩm khác của Công ty đã lên kệ siêu thị Muji (Nhật Bản), vừa được mở tại TP.HCM.

Ngoài đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các chợ dân sinh, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh còn xuất khẩu sản phẩm tới 8 quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Thụy Sỹ…

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, thị trường mở cửa đồng nghĩa với việc hàng hóa của doanh nghiệp nội sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt cần tận dụng thế mạnh là am hiểu người tiêu dùng trong nước, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là với nhóm hàng nông - thủy sản, tối ưu hóa hệ thống phân phối, tận dụng lợi thế chi phí vận chuyển để đưa hàng Việt bao phủ thị trường, hiện diện trong nhiều kênh phân phối nhằm cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án 386) với mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các kênh phân phối truyền thống.

Theo ông Phú, những điểm yếu mà ngành sản xuất trong nước cần phải khắc phục để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế ngay tại sân nhà khi hội nhập là công nghệ sản xuất, chất lượng hàng hóa, lưu thông, kiểm soát hàng giả, hàng nhái…

Chẳng hạn, với thương hiệu gạo ST25 đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, người tiêu dùng không dễ dàng phân biệt đâu là gạo ST25 thật, do có quá nhiều “phiên bản” rất giống loại gạo do “cha đẻ” giống lúa ST25 - ông Hồ Quang Cua - sản xuất và cung ứng ra thị trường. Phần lớn bao bì gạo ghi ST25, nhưng gạo chứa bên trong không phải là ST25 và được bán với cả chục mức giá khác nhau.

Tin liên quan
Tin khác