Ngân hàng
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ): Kế hoạch IPO HDBank sẽ tác động tích cực đến xếp hạng tín dụng
Vân Linh - 31/12/2017 11:47
Với giá trị ước tính 300 triệu USD, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) sẽ là thương vụ lớn thứ hai trong ngành ngân hàng tại Việt Nam (sau vụ IPO của Vietcombank năm 2007).
TIN LIÊN QUAN

Chốt room ngoại 20%

Mới đây, Ngân hàng HDBank cho biết đang chuẩn bị bán 20% cổ phần trong đợt IPO cho nhà đầu tư nước ngoài trong tháng này với kỳ vọng thu về 300 triệu USD và niêm yết trên Sở Giao dịch TP.HCM (HOSE) vào đầu năm sau.

Cuối tháng trước, Hãng thông tấn Reuters đã dẫn lời Phó tổng giám đốc HDBank, ông Lê Thành Trung cho biết, ngân hàng này sẽ bán cho mỗi nhà đầu tư ngoại dưới 5% cổ phần thông qua đợt IPO. Lượng đặt mua gấp khoảng 3 lần lượng chào bán.

HDBank dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 2.400 tỷ đồng trong năm nay.

Nhận định về kế hoạch trên, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ) cho rằng, vụ IPO là điều tích cực cho tín nhiệm của HDBank do thương vụ này sẽ củng cố khả năng tạo vốn và khoảng đệm nguồn vốn cho quỹ dự phòng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh.

Với giá trị ước tính 300 triệu USD, đây sẽ là vụ IPO lớn thứ hai trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, sau vụ IPO trị giá 463 triệu USD của Vietcombank năm 2007. Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã thu về 250 triệu USD từ vụ IPO tháng 5/2017.

“Thương vụ này sẽ khuyến khích các ngân hàng khác tiếp bước”, Moody’s nhận xét. Theo Moody’s, IPO của HDBank sẽ kết hợp giữa bán cổ phần hiện tại và phát hành thêm cổ phiếu mới, với giá trị phát hành thêm đạt 150 triệu USD. Sau đợt phát hành này, cổ đông mới nước ngoài của Ngân hàng sẽ nắm giữ 21,5% cổ phần.

IPO sẽ hỗ trợ tăng thanh khoản

Theo tính toán của Moody’s, vụ IPO sẽ giúp tỷ lệ vốn cấp 1 của HDBank tăng thêm gần 4 điểm phần trăm nữa, lên 14,8%, theo đó sẽ giúp HDBank trở thành một trong những nhà băng có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất trong số các nhà băng được Moody’s xếp hạng.

“Việc phát hành thêm sẽ hỗ trợ khả năng thanh khoản của HDBank khi ngân hàng này mở rộng bảng cân đối của mình”, Moody’s nhận xét.

HDBank là ngân hàng TMCP được biết đến với mô hình bán lẻ đa năng hiện đại, phát triển trên nền tảng của hệ sinh thái riêng biệt so với các mô hình bán lẻ khác bao gồm Ngân hàng - Công ty Tài chính - Hàng không; được điều hành và gắn kết các thành tố trong hệ sinh thái bởi nữ tỷ phú tự thân của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đương nhiệm Phó chủ tịch HĐQT HDBank, đồng thời là một trong những nhà sáng lập ngân hàng và sáng lập hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Sau khi sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) năm 2013, HDBank hiện có vốn điều lệ 8.828 tỷ đồng và sẽ tăng lên trên 9.800 tỷ đồng trước khi niêm yết.

Tính đến ngày 30/9/2017, HDBank có tổng tài sản 174.594 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2016 và đạt 98% kế hoạch năm 2017. HDBank dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 2.400 tỷ đồng trong cả năm nay.

Thời gian qua, HDBank đã có những bước tăng trưởng vượt bật. So với năm 2011, tổng tài sản của HDBank tại thời điểm ngày 31/12/2016 tăng hơn 3 lần, vốn chủ sở hữu tăng gần 3 lần, tổng huy động vốn tăng hơn 4 lần, tổng cho vay tăng 5 lần, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2 lần. Năm năm qua, HDBank cũng đã hoàn thiện nền tảng cho 5 năm tiếp theo. 

Tính đến ngày 30/9/2017, HDBank có tổng tài sản 174.594 tỷ đồng, tổng vốn huy động đạt 156.419 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng là 104.233 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của HDBank quản lý là 1,2%, mức rất thấp so với toàn thị trường. HDBank có mạng lưới gồm 240 điểm kinh doanh ngân hàng và hơn 10.000 điểm giới thiệu dịch vụ tài chính. Lợi nhuận sau thuế trong quý III/2017 của Ngân hàng đạt gần 825 tỷ đồng, lũy kế 3 quý đầu năm đạt 1.538 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận việc HDBank tăng vốn điều lệ từ 8.829 tỷ đồng lên gần 9.810 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thông qua trước đó vào ngày 17/10 và được HĐQT thông qua vào ngày 6/11/2017.

Mới đây, HDBank đã tăng vốn 9% lên 8.829 tỷ đồng, trong đó phát hành trả cổ tức 2016 tỷ lệ 7% và cổ phiếu thưởng 2%. Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ đợt 2/2017 với khối lượng gần 98,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 9.810 tỷ đồng.

Sau đợt này, HDBank tiếp tục chào bán 20 triệu cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên Ngân hàng, với giá chào bán 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên gần 10.010 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đợt chào bán này chậm nhất là đến quý I/2018.

Liên tục trong tháng 10 và 11 vừa qua, đại hội đồng cổ đông của HDBank đã thông qua hàng loạt nghị quyết ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục nhằm sẵn sàng cho việc lên sàn của Ngân hàng. HDBank dự kiến sẽ thực hiện đăng ký lưu ký trên VSD và niêm yết cổ phiếu lên HOSE vào đầu năm tới.
Tin liên quan
Tin khác