Một trong những mục tiêu thành lập đặc khu là muốn tạo ra động lực mới thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, vì sao ông lại không quan tâm tới mô hình kinh tế đặc biệt bằng mô hình hành chính đặc biệt?
Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có thể nói, Việt Nam khá thành công, khu vực FDI đã trở thành động lực phát triển kinh tế khi chiếm 20% GDP, 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 72% kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Có được kết quả này là nhờ hàng loạt cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư hợp lý, đặc biệt là ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Nếu đưa ra cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi quá đặc biệt đối với các doanh nghiệp đầu tư vào đặc khu, vô hình chung tạo ra cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế với 3 đặc khu dự kiến thành lập.
TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Tuy nhiên, nguồn vốn FDI đang có xu hướng chạy ngược trở lại các nước phát triển, đặc biệt là đầu tư vào Mỹ, khi mà chính quyền Tổng thống Donald Trump giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 20%. Bởi vậy, cũng cần phải có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào đặc khu cao hơn so với các khu vực khác trong nội địa, nhằm tạo ra các “cục nam châm” thu hút đầu tư FDI, tạo động lực tăng trưởng mới.
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được Quốc hội thảo luận vào hôm nay, theo ông đã đáp ứng được yêu cầu tạo ra “cục nam châm” thu hút đầu tư FDI?
So với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Dự thảo mới được trình Quốc hội lần này đã chỉnh lý nhiều nội dung về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương, chính quyền cấp tỉnh và của chính quyền đặc khu…, nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho cả 3 đặc khu dự kiến thành lập.
Có thể liệt kê hàng loạt cơ chế, chính sách đặc biệt mà nhà đầu tư được hưởng ưu đãi hơn rất nhiều so với việc đầu tư trong nội địa. Chưa nói tới chính sách miễn, giảm các loại thuế, chỉ với chính sách ưu đãi về đất đai đã thấy đầu tư vào đặc khu được hưởng rất nhiều chính sách đặc biệt như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê đối với dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa 30 năm đối với dự án đầu tư tại đặc khu thuộc Danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong.
Cơ chế, chính sách ưu đãi cho đặc khu có thể nói là rất cao, nhưng thời gian gần đây, giá đất tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã bị giới đầu cơ “thổi” lên gấp nhiều lần, tạo ra cơn sốt đất ảo chưa từng có ở tại những địa phương này. Khi đầu tư vào đây, doanh nghiệp phải trả chi phí rất lớn để có mặt bằng, nên các cơ cơ chế, chính sách ưu đãi sẽ bị giảm hiệu quả. Vì vậy, muốn đặc khu thực sự thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư, thì cần phải có cơ chế hành chính đặc biệt. Chính vì vậy, tôi quan tâm tới cơ chế hành chính đặc biệt hơn là kinh tế đặc biệt.
Ông có cho rằng, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này đã có cơ chế hành chính đặc biệt dành cho Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong chưa?
Theo tôi, Dự thảo đã thiết kế tổ chức bộ máy hành chính ở đặc khu bảo đảm tinh gọn, hiệu quả hơn rất nhiều so với bộ máy hành chính các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là trao quyền tối đa cho Chủ tịch UBND đặc khu. Cụ thể, Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch đặc khu được cấp giấy phép thành lập và hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài (thẩm quyền này thuộc Chính phủ theo theo quy định của Luật Du lịch); quyết định thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu chức năng khác (thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ); thẩm quyền cấp, cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa (theo Luật Du lịch thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)… Việc mạnh phân cấp cho Chủ tịch UBND đặc khu rất nhiều quyền hạn sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt, đồng thời phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND đặc khu.
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không chỉ là cơ sở pháp lý để thành lập đặc khu kinh tế, mà tôi cho rằng, đây là đột phá trong việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Sau khi 3 đặc khu đi vào hoạt động, sẽ thực hiện tổng kết, rút kinh nghiệm, để có thể nhân rộng mô hình tổ chức bộ máy theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả tại đặc khu ra cả nước.
Ông còn băn khoăn điều gì nữa không?
Nhiều doanh nghiệp tiếp xúc với tôi cho biết, khi đến đặt vấn đề đầu tư, rất nhiều địa phương hoan nghênh, trải thảm đỏ, nhưng khi thực hiện các thủ tục đầu tư thì lại không được cấp phép do vướng quy hoạch, chiến lược phát triển gì đó. Cái mà tôi còn băn khoăn chính là sự minh bạch, công khai của chính sách mà chính quyền địa phương đặc khu sẽ thực hiện. Nếu không công khai, minh bạch thì chính cơ chế hành chính đặc biệt cùng với việc trao tối đa quyền hạn cho chính quyền đặc khu có thể tạo ra cơ hội để lợi ích nhóm nảy sinh.