Thời sự
Đặc khu cần tư duy mới, luật chơi mới
Hà Nguyễn - 22/05/2018 07:56
Đích đến của việc hình thành 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ngày càng gần hơn khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chính thức được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, khai mạc ngày hôm nay (21/5). Nếu Dự luật được thông qua sẽ đánh dấu bước đột phá trong tư duy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Nói là bước đột phá, bởi như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhiều lần khẳng định, với việc hình thành 3 đặc khu, Việt Nam đã chủ động xây dựng một “sân chơi mới”, “luật chơi mới” với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế. Từ đó sẽ tạo ra các cực tăng trưởng mới của nền kinh tế, các khu vực đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân…

.

Một khi Dự thảo Luật được thông qua và đi vào cuộc sống, 3 đặc khu sẽ được hình thành.                   

Đây thực sự là cơ hội để Việt Nam tạo giá trị mới và giá trị gia tăng cao trong thời gian ngắn, tránh nguy cơ tụt hậu được nhắc đến từ khá lâu như một mối quan ngại hàng đầu của kinh tế Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển, bắt kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Cơ hội mở ra rất lớn, thời cơ đang đến gần. Nhưng điều quan trọng trong lúc này là một mặt tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cũng như các đề án thành lập các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, mặt khác phải chuẩn bị các bước đi cần thiết để đưa Luật sớm đi vào cuộc sống. Nếu không, các tư duy đột phá đó sẽ chậm mang lại hiệu quả trong thực tế.

Cũng bởi vậy, mà nhiều ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt là ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã khẳng định rằng, việc phát triển các đặc khu có thành công hay không còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình triển khai thực hiện. 

Trên thế giới, nhiều đặc khu đã được triển khai thành công, nhưng số lượng đặc khu thất bại cũng không phải ít. Đi sau, nhưng Việt Nam phải làm sao vượt lên trước, cạnh tranh được với các đặc khu đã và đang phát triển, ít nhất trên khía cạnh thu hút đầu tư, là câu chuyện không đơn giản.

Luật được thông qua, nhưng còn một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ trước mắt. Từ chuyện mô hình quản lý phải tổ chức sao cho hiệu quả, đầu tư hạ tầng, chọn nhà đầu tư chiến lược thế nào, đặc biệt là phải làm gì để lựa chọn được con người có thể đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng phát triển đặc khu… Nếu không có người tài, với năng lực sáng tạo và tư duy vượt trội, có tầm nhìn sâu rộng, thì khó có thể phát triển đặc khu thành công. Không có một máy tốt, thì ý tưởng tốt đẹp trong phát triển đặc khu cũng không thể trở thành hiện thực.

Lúc này, một lần nữa, Việt Nam rất cần tư duy vượt trội của những người thực thi. Một khi đã chủ động thiết kế sân chơi mới, luật chơi mới, nhất là khi đây là sân chơi, luật chơi mang tính toàn cầu, không bó hẹp ở địa phương có đặc khu, hay thậm chí là quốc gia - thì quyết tâm chính trị của toàn hệ thống phải cực lớn và trên hết, cần hành động vì lợi ích dân tộc, vì sự thịnh vượng chung của đất nước.

Tin liên quan
Tin khác