Đầu tư Phát triển bền vững
Hành trình Net Zero cần phải “xanh” từ nhận thức
Hoàng Oanh - 02/10/2024 10:13
Chuỗi hội thảo kết nối RIS.ER không chỉ tập trung vào các giải pháp công nghệ và chính sách mà còn khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào hành trình Net Zero từ sự chuyển dịch trong suy nghĩ tới hành động.

Ngày 25/9, Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phối hợp cùng Công ty WorldBaseSys (WBS) tổ chức hội thảo “Công nghệ xanh: Điểm chạm cho những giải pháp bền vững”, thuộc Chuỗi kết nối thực chiến RIS.ER Hub “Điểm chạm xanh”. Sự kiện quy tụ các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong các ngành như năng lượng, tài chính, logistics, tự động hóa…

Ông Trần Lê Hưng, Chuyên gia Viện Chiến lược Bộ Kế hoạch Đầu tư, Giám đốc điều hành General Global Hedge Consulting 

Ông Trần Lê Hưng, Chuyên gia Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, kiêm Giám đốc điều hành General Global Hedge Consulting nhấn mạnh, tích hợp phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đã trở thành thách thức quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Để thực hiện nó, không chỉ doanh nghiệp cần phải đẩy nhanh quá trình xanh hóa mà mỗi cá nhân cũng cần chuyển dịch xanh từ nhận thức, từ hành động.

Ông Nguyễn Bách Việt, đại diện Microtec Việt Nam cho rằng, việc nhận thức về dấu chân carbon chính là “điểm chạm” để doanh nghiệp và các cá nhân có thể bắt đầu trên hành trình đạt đến Net Zero. Ông giải thích: “Dấu chân carbon là tổng lượng khí thải nhà kính (bao gồm CO2 và nhiều loại khác) phát sinh từ các hoạt động của con người, góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu”.

Khi đã tính toán được dấu chân carbon, doanh nghiệp có thể tham gia vào các hoạt động giao dịch tín chỉ carbon. Các bên phát thải ít có thể trao đổi thặng dư và thu lợi trực tiếp từ việc kiểm soát phát thải. Việc giao dịch trực tiếp tín chỉ carbon có thể được thực hiện công khai, minh bạch qua các sàn sau khi có hành lang pháp lý, và các quy định, quy chuẩn trong việc kiểm kê phát thải.

Theo ông Việt, quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) vừa duyệt tổng kinh phí 33,3 triệu USD, có thể tăng lên 40 triệu USD cho Việt Nam để chi trả cho tín chỉ carbon lúa, thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện công ty năng lượng tái tạo, ông Đào Trọng Hà, Giám đốc kỹ thuật SolarEdge Việt Nam đề xuất nên có định hướng chuyển sang kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là giảm áp lực cho lưới điện bằng những nguồn điện tái tạo.

Ông Đào Trọng Hà, Giám đốc kỹ thuật SolarEdge Việt Nam

“Việt Nam có lợi thế về năng lượng mặt trời. Các tấm quang điện cũng rất dễ triển khai, thời gian lắp đặt ngắn hơn, do đó việc tiếp cận nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn các nguồn năng lượng khác”, ông Hà nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, sự phối hợp bốn bên bao gồm khu vực công, khu vực tư nhân, cộng đồng và khu vực học thuật là điều cần thiết để thực thi các giải pháp xanh.

Đó cũng là lý do Chuỗi kết nối thực chiến RIS.ER Hub ra đời nhằm tạo một diễn đàn thường trực quy tụ các chuyên gia, đại diện từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường Đại học đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, tạo ra không gian trao đổi minh bạch, đa chiều, có tính xây dựng.

“RIS.ER được thiết kế với sứ mệnh thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và nhà trường. Với tầm nhìn dài hạn, chúng tôi cam kết không chỉ tìm ra các giải pháp công nghệ tiên tiến, mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ - những người sẽ tiếp nối hành trình này - tham gia sâu rộng vào các sáng kiến Net Zero và kinh tế tuần hoàn”, Giám đốc điều hành WBS Nguyễn Quỳnh Như, đại diện cho đơn vị tổ chức khẳng định.

Trước đó, Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS đã phối hợp Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo chủ đề: Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” (ESG - Motivations and Breakthroughs Conference) tại Hà Nội vào ngày 23/5. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 100 nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Tin liên quan
Tin khác