Các vấn đề về môi trường và bền vững đã đạt được tầm quan trọng đáng kể trong nhiều ngành công nghiệp và các tổ chức trên toàn cầu. Ông Pulkit Abrol, Giám đốc Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tầm nhìn về phát triển bền vững và cách thúc đẩy sự thay đổi, nâng cao tính bền vững góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Pulkit Abrol, Giám đốc Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: Chí Cường) |
Ông đánh giá Việt Nam đang ở đâu trong quá trình phát triển bền vững (PTBV) chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương?
Theo các nghiên cứu của chúng tôi về PTBV và bước tiến của các nước châu Á - Thái Bình Dương trong các cam kết của họ, thì một trong những nhân tố tác động chính tới những bước tiến đó là việc đưa ra những chuẩn mực mới về bền vững.
Nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu quan tâm đến các tiêu chuẩn quản trị, các khuôn khổ được quy định đối với tổ chức niêm yết và khuyến khích các tổ chức chưa niêm yết hướng tới các cam kết bền vững, cũng như đổi mới tư duy bền vững trong chính tổ chức của họ. Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang có sự chuyển dịch nhanh chóng trong khía cạnh tuân thủ các chuẩn mực về môi trường, bền vững và quản trị trong khu vực.
Chúng tôi tin rằng, Việt Nam đang nỗ lực để bắt kịp với phần còn lại của ASEAN. Nhiều tổ chức ở Việt Nam rất chú trọng đến tiến trình này. Sau 12 năm tổ chức Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững, chúng tôi nhận thấy các tổ chức đang tập trung phát triển, cũng như đang tạo ra các nhu cầu và kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực này. Với tiến độ đó, mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero) vào năm 2050 của Việt Nam sẽ trở thành hiện thực.
Chúng tôi cũng nhận thấy những tiến bộ nhanh chóng thông qua các báo cáo. Chính phủ Việt Nam đã chú trọng xây dựng chính sách, tạo ra nhiều khuôn khổ hỗ trợ các tổ chức, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tập trung vào lĩnh vực này. Vị trí của Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện thông qua các cam kết, các chuẩn mực về báo cáo bền vững, báo cáo môi trường và quản trị.
Vậy ACCA có khuyến nghị gì cho PTBV tại Việt Nam và khu vực?
Khi nhắc tới PTBV, chúng ta cần chú ý tới các khía cạnh liên quan trong toàn bộ hành trình thúc đẩy PTBV. Một trong những khía cạnh quan trọng là tập trung PTBV cho mọi người. Mọi khía cạnh bao gồm nguồn lực xã hội, nền kinh tế…, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa - xương sống của rất nhiều nền kinh tế, đặc biệt là Việt Nam.
Chúng ta cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để thông qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp lớn. Mọi người thường nghĩ rằng các doanh nghiệp lớn có lợi thế về quy mô, có vốn, có nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội của mình. Nhưng chúng ta cũng cần để ý tới các hệ sinh thái nhỏ và việc đưa ra các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất quan trọng.
Chúng tôi nhận thấy các Chính phủ tại một số nước châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN đang rất quyết liệt đưa ra các cơ chế nghiêm ngặt, các chính sách bắt buộc về vấn đề tuân thủ. Điển hình tại Việt Nam, Quyết định 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ Tài chính phê duyệt Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam và sau đó là từng bước tích hợp IFRS S1, S2 vào các chuẩn mực mới của báo cáo PTBV. Ta có thể nhận thấy điều đó trong xu hướng hoạch định chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong hành trình PTBV, để không bỏ ai lại phía sau.
Chúng tôi nhận thấy rằng, các thị trường khác nhau có phản ứng khác nhau và việc thực hành báo cáo PTBV cũng khác nhau. Nhưng nếu mỗi chúng ta cùng chung tay thì tạo ra sự khác biệt để bảo vệ hành tinh này.
Với vai trò là một đơn vị kết nối, ACCA đóng góp như thế nào vào các chính sách tài chính bền vững trong khu vực?
Một trong những khía cạnh quan trọng mà ACCA đang làm là cung cấp dịch vụ đào tạo. Toàn bộ các chứng chỉ kế toán được công nhận của chúng tôi đều chú trọng tích hợp bền vững và chúng tôi đã thực hành điều này từ năm 2015. Trước đó, trong những năm 1990, chúng tôi đã tích hợp trong báo cáo của mình, tích hợp báo cáo môi trường, báo cáo về tiêu thụ nguyên liệu, tác động chung đến các bên liên quan.
Trong thập kỷ này và thập kỷ sau nữa, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn để hỗ trợ và kết nối mọi người. Một trong những nỗ lực đó là tổ chức Diễn đàn ACCA Châu Á – Thái Bình Dương, nhằm tạo cơ hội đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp, qua đó nhìn nhận, đánh giá các khoảng cách về kỹ năng, về nhân tài và các lĩnh vực khác nhau.
Chúng tôi tin rằng đang mang lại những hỗ trợ tích cực trong giáo dục và đào tạo về tài chính. Chúng tôi có 250.000 hội viên trên toàn cầu và năm nay là 1 mốc kỷ niệm quan trọng.
Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam và các nước nhằm tạo ra những nhân tài, những chuyên gia kế toán, mang đến những bước nhảy vọt để tạo ra sự khác biệt trong lộ trình hướng tới Net-zero. Trong năm nay, chúng tôi dự kiến giới thiệu một chứng chỉ về bền vững trong năm nay nhằm mang lại những kỹ năng cần thiết.