Tài chính - Chứng khoán
Hanoimilk liệu có vươn mình sau tăng vốn?
Thanh Thủy - 20/07/2023 09:15
Từng được biết đến với nhãn hiệu sữa IZZI khá đình đám, Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) đã có sự hồi phục đáng nể về doanh thu khi nhìn vào báo cáo tài chính các năm gần đây.

Lần tăng vốn đầu tiên sau gần thập kỷ

Đầu tháng 7/2023, Hanoimilk hoàn tất đợt phát hành 24,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Lần đầu tiên, kể từ năm 2014, hãng sữa với nhãn hiệu IZZI từng được biết đến khá nhiều một thập kỷ trước mới có thêm lần tăng vốn.

Lần tăng vốn trước khá “trầy trật” với Hanoimilk. Đợt phát hành được thông báo thực hiện trong năm 2014, được cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán bổ sung vào giữa năm 2015. Tuy nhiên, phải tới năm 2022, Công ty mới hoàn tất thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với mức vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Sau lần tăng vốn vừa qua, dù chỉ ở mức khiêm tốn so với các doanh nghiệp sữa đang niêm yết, nhưng quy mô vốn điều lệ của Hanoimilk đã có bước nhảy đáng chú ý, từ mức 200 tỷ đồng lên 444 tỷ đồng.

Trong đợt phát hành, Hanoimilk chào bán 14,4 triệu cổ phiếu cho 3 chủ nợ để hoán đổi nợ thành cổ phần với tỷ lệ 10.000 đồng nợ đổi 1 cổ phiếu. Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT là người chấp nhận “đổi nợ” nhiều nhất (97 tỷ đồng), qua đó giảm khoản nợ với Công ty còn 563 triệu đồng. Hai nhà đầu tư khác cũng giảm số dư nợ gốc về con số lẻ với giá trị khoản nợ được hoán đổi lần lượt là 43 tỷ đồng với cổ đông lớn CTCP Hoàng Mai Xanh và 4 tỷ đồng với thành viên HĐQT Phạm Tùng Lâm.

Bên cạnh đó, hãng sữa này còn phát hành 10 triệu cổ phiếu cho một nhà đầu tư cá nhân. Số tiền 100 tỷ đồng được ông Hoàng Văn Thuật góp vào ở lần tăng vốn vừa qua sẽ được dùng cho hai mục đích gồm mua sắm 2 máy rót sữa A3S 125 SL và A3S 200 SL (70 tỷ đồng), mua nguyên liệu sữa (30 tỷ đồng).

Phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ dù không mang về nguồn “tiền tươi”, nhưng đổi lại, cơ cấu vốn của Hanoimilk sẽ thay đổi đáng kể. Với quy mô vốn mỏng, cùng khoản lỗ lũy kế đã dai dẳng cả chục năm qua, tỷ lệ nợ tại Hanoimilk tại thời điểm công bố gần nhất (31/1/2023) ở mức 67%, tương đương cứ 3 đồng vốn lại có 2 đồng từ nguồn nợ vay. Trong khi đó, với thay đổi sau đợt tăng vốn trên, nợ vay chỉ còn chiếm 1/3, còn vốn tự có chiếm 2/3 trong cơ cấu.

IZZI trở lại hay đẩy mạnh gia công?

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn cho biết, quyết định mua dây chuyền máy rót sữa là do nhà máy bị thiếu công suất, không sản xuất đủ hàng giao cho nhà phân phối và đối tác gia công.

Số liệu tài chính cũng ghi nhận đà đi lên rõ rệt của doanh thu. Gần nhất, doanh thu hoạt động kinh doanh chính quý I/2023 mang về 142 tỷ đồng cho Hanoimilk, tăng 86% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng cao gấp đôi, đạt 10 tỷ đồng trong quý đầu năm. Tỷ suất lợi nhuận gộp gần 19%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu đạt xấp xỉ 7%.

Đây là quý thứ 11 liên tiếp, Hanoimilk có lãi. Còn tính trong năm 2022, Hanoimilk thu về 486 tỷ đồng doanh thu - mức cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này và 38 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,25 lần năm liền trước.

Biên lợi nhuận còn mỏng, lợi nhuận Công ty tích lũy được 2-3 năm gần đây chưa đủ xóa lỗ. Do đó, Công ty vẫn còn hơn 30,5 tỷ đồng lỗ lũy kế tính đến cuối quý I/2023.

Xu hướng tăng trưởng doanh thu của hãng sữa này thực tế “ngược dòng” mức tăng trưởng chậm lại của bình quân ngành sữa. Sự trở lại của nhãn hiệu sữa IZZI trên kệ hàng các kênh phân phối chưa thật sự rõ rệt. Tuy nhiên, một kênh khác lại tăng rất nóng.

Theo Ban lãnh đạo Công ty, động lực giúp doanh thu bán hàng tăng trưởng trong thời gian qua có sự đóng góp lớn từ tăng trưởng mảng gia công, đã tăng liên tục từ đầu năm 2020.

Trong báo cáo, Hanoimilk từng vạch ra mục tiêu trở thành nhà máy gia công lớn nhất ở phía Bắc. “Nhà máy chế biến Hanoimilk ngày càng có nhiều đối tác ký hợp đồng gia công và hợp tác đầu tư. Công ty đang đứng trước những cơ hội to lớn để tăng trưởng”, lãnh đạo Công ty chia sẻ.

Tuy vậy, điều quan trọng là cần đầu tư thiết bị máy móc. Từ năm 2022, Hanoimilk đã ký hợp đồng mua 2 dây chuyền máy rót sữa với Hãng Tetra Pak, gồm máy rót A3S 125 SL và A3S 200 SL. Song, Tetra Pak đang tồn đọng nhiều đơn hàng nên chưa thông báo lịch giao hàng cho Công ty. Bởi vậy, Hanoimilk đã hợp tác với đối tác DPT để thuê sử dụng thiết bị A3S 125 SL, sau đó quyết định mua toàn bộ với giá hơn 51 tỷ đồng. Trong 100 tỷ đồng nguồn vốn do cổ đông mới vừa “xuống tiền”, có 35 tỷ đồng dành cho nhu cầu vốn này. Tương tự với dây chuyền thứ 2, số tiền Hanoimilk cần đầu tư lên đến hơn trăm tỷ đồng.

Đây là một khoản tiền lớn đối với doanh nghiệp có quy mô tài sản khá khiêm tốn như Hanoimilk. Nhập thêm thiết bị mới, chi phí khấu hao cũng như chi phí lãi vay trong trường hợp phần vốn tự có của Công ty chưa trang trải đủ sẽ tăng thêm gánh nặng cho Công ty tại các kỳ kinh doanh tới. Duy trì được tăng trưởng doanh thu, đặc biệt ở mảng gia công từ các đối tác đang liên tục gia tăng tỷ trọng trong tổng thu các năm gần đây, là điều kiện cần để Hanoimilk thắng trong lần đầu tư này.

Tin liên quan
Tin khác