Miếng ngon đã có chủ
Cuối tháng 3 này, gần 76 triệu cổ phần, tương đương 34,51% vốn điều lệ của Hapro sẽ được đem lên sàn trong phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Hapro với giá khởi điểm 12.800 đồng/cổ phần. Nếu thực hiện thành công, Hapro sẽ thu về tối thiểu 971 tỷ đồng.
Tổ hợp Thương mại văn phòng 15 tầng với diện tích đất gần 3.000 m2 tại số 11B - Cát Linh tạo nên sức hấp dẫn khi Hapro IPO. Ảnh: Đức Thanh |
Thời gian tổ chức phiên IPO dự kiến diễn ra lúc 8h30 ngày 30/3/2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Hapro có vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ không còn nắm giữ cổ phần. Ngoài 34,51% vốn được đem đấu giá nói trên, 65% vốn được bán cho nhà đầu tư chiến lược và 0,49% vốn còn lại được bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp.
Cổ phần hóa của Hapro có thể được coi là một trong những đợt thoát vốn Nhà nước đáng mong chờ nhất, bởi khi nhắc đến Hapro, giới đầu tư đều nghĩ ngay tới một doanh nghiệp nổi tiếng sở hữu quỹ đất khủng ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác.
Hapro được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn. Đáng chú ý như Dự án Trung tâm Thương mại, văn phòng (cao 9 tầng tại số 5 - Lê Duẩn, Hà Nội) hợp tác với Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI có diện tích đất 1.624 m2; Khu đất 38 + 40 - Lê Thái Tổ, Hà Nội với diện tích 572 m2 đang chờ quyết định nhận chuyển nhượng của Thành phố; Khu đất 362 - phố Huế với diện tích 618 m2; Tổ hợp Thương mại văn phòng 15 tầng với diện tích đất gần 3.000 m2 tại số 11B - Cát Linh… cũng như vô số "đất vàng" khác tại khu vực trung tâm Hà Nội.
Với những tiềm năng và lợi thế có thể nhìn thấy ngay, không khó hiểu khi Hapro nhận được sự quan tâm của các đại gia. Theo Bản công bố thông tin IPO của Hapro, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt cho Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) làm cổ đông chiến lược của Hapro, thông qua việc mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro với mức giá chào bán tối thiểu sẽ không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của phiên IPO. Như vậy, mức giá tối thiểu Vinamco bỏ ra để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro vào khoảng 1.830 tỷ đồng.
Vinamco không còn là cái tên quá xa lạ trong các thương vụ IPO, thoái vốn nhà nước những năm gần đây khi doanh nghiệp này từng chi ra 1.250 tỷ đồng để mua 97,7% cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Vinamco còn là cổ đông chiến lược nắm 21% của Thương mại Thời trang Hà Nội (Hafasco) - một công ty liên kết của Hapro (nắm giữ 49,03% vốn) và 13% cổ phần của Cảng Sài Gòn.
Vinamco còn được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh Showroom Honda Tây Hồ - một đại lý lớn của Honda Việt Nam tại số 197A - đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tuy chưa từng được xác nhận là công ty con hay đơn vị liên kết, nhưng Vinamco có mối quan hệ “mật thiết” với Tập đoàn BRG Group. Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016 của Vinamotor diễn ra sau khi Vinamco mua lại 97,7% cổ phần, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG Group đã được bầu làm Chủ tịch của Vinamotor.
Không chỉ là đất vàng
Việc Vinamco “một mình một ngựa” để được lựa chọn làm đối tác chiến lược của Hapro dẫn tới nhiều dự đoán phiên IPO cuối tháng 3 này sẽ kém sôi động.
Tuy nhiên, có một thực tế là, với những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và muốn tham gia vào Hội đồng quản trị, nắm giữ cổ phần chi phối, phiên IPO ít khi được xem là “sân chơi”, nhất là khi Hapro đã thông báo việc tìm đối tác chiến lược mua 65% vốn từ khá sớm. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Hapro cho biết, đợt cổ phần hóa Hapro đã nhận được sự quan tâm của khá nhiều tổ chức, nhưng đến phút cuối, chỉ có Vinamco nộp đơn đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược.
Bởi vậy, điều mà những nhà đầu tư quan tâm đến phiên IPO lần này của Hapro đó là tiềm năng tăng trưởng cổ phiếu và cổ tức của công ty trong giai đoạn tới.
Bên cạnh những lợi thế về đất kể trên, giá trị cốt lõi của Hapro đó là lĩnh vực kinh doanh chính là xuất nhập khẩu, thương mại nội địa và phát triển hạ tầng thương mại. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Hapro nhiều năm liền đạt vị trí là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về xuất khẩu một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm. Thị trưởng xuất khẩu của Hapro được duy trì và mở rộng tới trên 70 nước và khu vực trên thế giới.
Với lĩnh vực bán lẻ, Hapro hiện sở hữu mạng lưới địa điểm kinh doanh gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart, HaproFood và chuỗi cửa hàng chuyên doanh của Hapro tại Hà Nội và các địa phương khác…
Trong những năm gần đây, doanh thu công ty mẹ Hapro thường đạt trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy vậy, lợi nhuận mà Hapro đạt được là khá khiêm tốn và hiếm năm nào vượt quá 40 tỷ đồng. Tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2017 của Hapro đạt 3.667 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.166 tỷ đồng. Tình hình tài chính của Hapro lành mạnh, giai đoạn 2014 - 2017 không có nợ quá hạn.
Đặc biệt, “mỏ vàng” của Hapro là phần vốn góp trên 51% tại 10 công ty con, đầu tư vào 19 công ty liên doanh, liên kết với tỷ lệ sở hữu từ 20 - 49%. Một vài tên tuổi lớn có thể kể đến như Công ty CP Thủy Tạ, Công ty CP Thực phẩm Hà Nội, Công ty CP Thương mại dịch vụ Tràng Thi, Công ty CP Thương mại dịch vụ Thời trang Hà Nội, Công ty CP Siêu thị VHSC (sở hữu chuỗi siêu thị SeikaMart), Gốm Chu Đậu, Vang Thăng Long…
Tuy các công ty con hiện lợi nhuận thấp, nhưng giống như Hapro, các công ty này đều có lợi thế về đất và lợi thế về thương hiệu. Trong kế hoạch hoạt động năm 2017, Hapro dự định sẽ thoái vốn tại một số công ty con và công ty liên kết, nhưng hiện các khoản đầu tư này đã được tính vào giá trị cổ phần hóa Hapro. Khi về tay chủ mới, tính hiệu quả chắc chắn sẽ được đặt lên hàng đầu, do đó việc cơ cấu lại vốn hay tiếp tục duy trì kinh doanh sẽ do các ông chủ mới quyết định.
Theo kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa, Hapro đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng trong năm nay và sẽ tăng lên 5.760 tỷ đồng vào năm 2020, trong đó, mảng xuất khẩu tiếp tục nắm vai trò chủ lực. Mục tiêu lợi nhuận thể hiện tham vọng hơn khi tăng từ 13,42 tỷ đồng thực hiện năm 2017 lên 63,2 tỷ đồng trong năm 2018 và 80 tỷ đồng vào năm 2020. Các mức tăng này tương đương tỷ lệ tăng trưởng trên 20%/năm. Tuy nhiên, Hapro dè dặt với mức cổ tức với tỷ lệ 2-3,5% mỗi năm. Để làm được điều này, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển xuất khẩu, Hapro sẽ phải cơ cấu lại nhằm tinh giản bộ máy, xây dựng các quy chuẩn trong sản xuất, kinh doanh…
Trong khi đó, về phía nhà đầu tư chiến lược, có thể thấy mỗi khi các đơn vị liên quan đến BRG Group tham gia một thương vụ IPO nào, “đất vàng” cũng là chủ đề được “soi” đầu tiên. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách xác đáng, các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khi “về tay” BRG vẫn được tập trung phát triển giá trị cốt lõi và được cơ cấu lại một cách hợp lý trong hệ sinh thái của tập đoàn này.
Đơn cử, sau khi Công ty TNHH Thung lũng Vua - một thành viên của BRG Group nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Intimex Việt Nam lên trên 45%, khu đất “kim cương” mặt phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm vốn là siêu thị Intimex đã trở thành dự án khách sạn 6 sao Four Seasons. Trong khi đó, Intimex mở siêu thị mới ngay dưới chân tòa chung cư 15 - 17, phố Ngọc Khánh - một khu đất vàng khác thuộc quyền sử dụng của Công ty CP Thăng Long GTC - một doanh nghiệp nhà nước cũng được Thung lũng Vua sở hữu thông qua đợt cổ phần hóa tốn nhiều giấy mực năm 2015.
“Vinamco đảm bảo đáp ứng tất cả điều kiện về nguồn lực, vốn được đưa ra. Đồng thời, đối tác chiến lược được lựa chọn tham gia mua cổ phần chi phối sẽ phải đảm bảo kế thừa cả những lợi thế và những tồn tại của Hapro, tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau cổ phần hóa đã được phê duyệt”, vị đại diện của Hapro khẳng định.
Sẽ là quá sớm để đưa ra phán đoán về phiên IPO của Hapro, nhưng chắc hẳn, cùng với đất vàng, Hapro còn nhiều tiềm năng hấp dẫn khác để Vinamco sẵn sàng chi ra gần 2.000 tỷ đồng mua lại 65% cổ phần.