Triển lãm Sản phẩm Ngũ kim và Dụng cụ cầm tay 2017 sẽ phô diễn nhiều sản phẩm mới |
Doanh nghiệp đang thua trên sân nhà
Ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đang phát triển mạnh, nhu cầu về các sản phẩm ngũ kim, dụng cụ cầm tay là rất lớn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt chưa tham gia vào quá trình sản xuất này nhiều, các sản phẩm chủ yếu nhập khẩu. Hơn thế, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh về sản phẩm cơ khí.
Trong khi đó, thời gian qua, đầu tư của ngành cơ khí còn phân tán, chưa đồng bộ. Việc hỗ trợ, phối hợp, liên kết ngành và liên kết giữa các doanh nghiệp chưa tốt, do thiếu các dự án sản xuất phôi thép rèn, đúc chất lượng cao áp dụng công nghệ tiên tiến, thiếu các cơ sở có máy móc gia công, chế tạo lớn, hiện đại; thiếu cả những nhà máy sản xuất thép chuyên dùng cho chế tạo các sản phẩm cơ khí...
Hơn 15 năm qua, mặc dù một số doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, có khả năng chế tạo được các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, nhưng vẫn quá ít ỏi và cũng đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại, phát triển bền vững.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, Việt Nam phải tốn vài chục tỷ USD mỗi năm để nhập máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng các công trình, phát triển các ngành công nghiệp trong nước, trong khi ngành cơ khí chế tạo Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, thậm chí nhiều người còn cho rằng, các doanh nghiệp đang “thua trên sân nhà”. Nguyên nhân, do cơ chế, chính sách chưa đủ tạo điều kiện để khuyến khích, phát triển ngành cơ khí, thậm chí là kìm hãm sự phát triển của ngành chế tạo máy. Minh chứng, nhiều năm qua, chính sách thuế chỉ khuyến khích nhập khẩu thiết bị máy móc với mức thuế nhập khẩu bằng 0%, trong khi các doanh nghiệp trong nước chế tạo máy phải nhập linh kiện, phụ tùng với thuế suất hiện nay có loại lên đến 15% (trước đây là đến 25%).
Song, điều này không có nghĩa là cơ khí Việt Nam không có khả năng bắt kịp được xu thế. Theo ông Tống, quan trọng nhất là cần thay đổi triệt để chính sách thuế bất hợp lý, các doanh nghiệp cũng cần phải hiểu rõ nhu cầu khách hàng trên toàn cầu, chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm mọi cách giảm chi phí đầu vào, mở rộng thị trường, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới…
Lộ diện sân chơi mới
Hai năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt đã có một sân chơi và các doanh nghiệp nước ngoài đã có “điểm dừng” mới thông qua Triển lãm Sản phẩm Ngũ kim và Dụng cụ cầm tay (Vietnam Hardware & Hand Tools Expo 2017). Doanh nghiệp kỳ vọng, với các hình thức quảng bá từ truyền thống đến cách thức tiếp thị tích hợp đa kênh (omnichanel) sẽ phô diễn các sản phẩm mới nhất tới giới chuyên gia, nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.
Hardware & Hand Tools Expo 2017 sẽ quay trở lại từ ngày 6-9/12 tại Trung tâm Triển lãm SECC – 799, đại lộ Nguyễn Văn Linh, P. Tân Phú, Q.7, TP.HCM do Công ty Vinexad tổ chức.
Năm 2016, triển lãm đón 4.630 lượt khách thương mại đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khách hàng là Nhà phân phối chiếm 27%, Doanh nghiệp xuất nhập khẩu/thương mại (28%); Nhà máy/Xưởng sản xuất/ Chế tạo (21%), Cung cấp dịch vụ (5%); Bán lẻ (10%) và ngành nghề khác (9%).
Triển lãm có trên 200 doanh nghiệp với quy mô 250 gian hàng và hàng ngàn chủng loại sản phẩm tập trung trong 4 ngành chính. Đó là dụng cụ các loại: hàn, dụng cụ điện, dụng cụ làm vườn, máy nén khí, vật liệu bào mòn; Thiết bị tự làm trong ngành xây dựng: phụ kiện cửa, vật liệu kim loại, thiết bị tự động, sơn và hoá chất; Thiết bị gia cố: bulông, đai ốc, đinh tán, lò xò cơ khí; Thiết bị an toàn, khoá và bảo hộ lao động.
Đặc biệt, sự hiện diện của các thương hiệu lớn đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ cho đến các nhãn hàng mới tại Triển lãm năm nay đang chứng minh thị trường Việt Nam tiềm năng và luôn chào đón các công nghệ mới “dừng chân”. Một số thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực này như: Bosch, Sealey, Onishi, Yanase, Brunox…
Ngoài ra, nhằm tìm ra giải pháp và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Triển lãm sẽ có các sự kiện bên lề. Trong đó, Hội thảo với chủ đề “Ứng dụng công nghệ quét 3D Laser scanning trong lĩnh vực Cơ khí điện – Giải pháp và Lợi ích vượt trội” và doanh nghiệp được tham gia miễn phí Chương trình Đào tạo đặc biệt về kỹ thuật và quy trình phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng…