Tại Hội nghị, ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư cho 4 dự án trên các lĩnh vực: xử lý rác thải, sản xuất Giầy thể thao, chế biến lương thực và trung tâm thương mại dịch vụ giải trí với tổng vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang cho biết, từ khi chia tách tỉnh đến nay (từ năm 2004), tỉnh Hậu Giang đã có gần 4.000 doanh nghiệp đầu tư làm ăn, với tổng số vốn hơn 43.000 tỷ đồng, bình quân hàng năm có khoảng 310 doanh nghiệp đăng ký mới, trong đó doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng…
Hậu Giang đã thu hút được 473 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn 121.581 tỷ đồng, gấp 7,4 lần so với năm 2004. Bình quân hàng năm cấp giấy chứng nhận đầu tư khoảng 60 dự án, với số vốn bình quân tăng hàng năm trên 8.000 tỷ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong những năm qua, tỉnh đã thu hút được 27 dự án, với tổng số hơn 800 triệu USD. Trong đó, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài là 15 doanh nghiệp, tổng vốn hơn 642 triệu USD và 12 doanh nghiệp liên doanh, với tổng vốn 165 triệu USD.
Ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trao chủ trương đầu tư cho 4 dự án trên địa bàn |
Số lượng và chất lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và tính chuyên nghiệp cao. Môi trường đầu tư của Hậu Giang những năm qua không ngừng được cải thiện, năm 2006, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hậu Giang nằm trong nhóm trung bình của cả nước; hiện nay vươn lên nằm trong nhóm khá so với cả nước.
Ông Thái Trường Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Greenity vừa được địa phương cấp phép đầu tư nhà máy xử lý rác thải công suất 200 tấn/ngày, vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của Dự án cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của địa phương đối với nhà đầu tư. Ông Giang cũng đề xuất, nếu được, địa phương hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thời gian cho phép đầu tư ổn định lâu dài hơn thì nhà đầu tư sẽ an tâm hơn khi rót vốn đầu tư vào dự án.
Cũng quan điểm trên, ông Lương Thanh Văn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc - Hậu Giang - một doanh nghiệp FDI đang đầu tư dự án khu du lịch sinh thái 145ha tại huyện Vị Thủy cho biết, thời gian qua, Công ty đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, ban ngành tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư Dự án, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng và đền bù giải tỏa.
“Hiện nay, Khu du lịch đã thực hiện xong giai đoạn tạo cảnh quan, nạo vét lòng kênh, hình thành vườn chim nhân tạo với diện tích khoảng 4,9 ha, nuôi các loại động vật hoang dã và các loại thủy sản nước ngọt với diện tích 11 ha và đang rốt ráo hoàn thành các hạn mục cuối cùng để đưa vào khai thác chậm nhất là năm 2018”, ông Văn thông tin.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, nhà đầu tư đến từ TP.Hồ Chí Minh nhận định, với tốc độ phát triển khá nhanh của trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang thì tiềm năng đầu tư về dịch vụ du lịch, ẩm thực còn rất lớn, ông mong muốn được đầu tư nhà máy bia Đức và khách sạn 4 sao tại địa phương để phục vụ khách du lịch.
Bình luận về môi trường đầu tư tại khu vực và tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho rằng, ở thời điểm hiện nay, hạ tầng của khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng đã có cải thiện đáng kể. Sắp tới, kênh Quan Chánh Bố hoàn thành sẽ góp phần giảm chi phí đáng kể cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng sức hút cho môi trường đầu tư ở đây. Khu vực ĐBSCL có gần 18 triệu dân, hàng hóa của khu vực này cũng giữ vai trò phân phối chủ lực cho thị trường Campuchia, do đó đây cũng là khu vực khá tiềm năng trong phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và phát triển mạnh lưới phân phối, bán lẻ.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, cũng như nhiều địa phương trong vùng, Hậu Giang có lợi thế là vùng nguyên liệu nông, thủy sản rất lớn, thích hợp cho thu hút công nghiệp chế biến. Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nằm ven sông Hậu có lợi thế rất lớn trong phát triển dịch vụ logistics. Với Trung tâm điện lực Sông Hậu gồm 3 nhà máy công suất hơn 5.000 MW được đầu tư trên địa bàn, Hậu Giang còn là Trung tâm năng lượng của vùng.
Tuy nhiên, để biến các tiềm năng thành cơ hội thì địa phương cần phải rà soát lại quy hoạch, ban hành chính sách thu hút đầu tư đủ mạnh hấp dẫn nhà đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp cùng bộ, ngành hữu quan hỗ trợ tối đa cho địa phương trên lĩnh vực đầu tư, kinh doanh nhằm giúp tỉnh Hậu Giang, một địa phương còn nhiều khó khăn tăng tốc phát triển.