Diễn đàn nhằm thúc đẩy phát huy cao nhất tiềm năng lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo MDEC - Hậu Giang 2016 trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn xung quanh nội dung này.
Ông có thể cho biết các hoạt động chính diễn ra trong khuôn khổ MDEC năm nay?
MDEC - Hậu Giang 2016 có 7 hoạt động chính và các hoạt động của tỉnh Hậu Giang, được tổ chức với tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, tại MDEC - Hậu Giang 2016 sẽ tổ chức Hội nghị “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”; Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Diễn đàn doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016; các giải pháp trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và dân sinh; Hội thảo hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC…
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo MDEC - Hậu Giang 2016 |
Có thể nói, so với các năm trước, MDEC năm nay được xây dựng với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực gắn với những vấn đề đang đặt ra cho vùng.
Vậy điểm nhấn quan trọng của MDEC - Hậu Giang 2016 là gì, thưa ông?
MDEC đã qua 8 lần tổ chức với các chủ đề của mỗi năm gắn với tình hình thực tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ đề của MDEC năm nay là “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”.
Để tập trung vào chủ đề này, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức MDEC đã xây dựng các hoạt động thiết thực, thực tiễn của vùng, nhằm tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn đang đặt ra của vùng như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp; thảo luận và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp, người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi gia nhập TPP. Thông qua qua đó, Diễn đàn này mong muốn đẩy mạnh hợp tác, đầu tư; kết nối cung cầu và quảng bá, tiềm năng thế mạnh của vùng, tiến tới thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, từ đó giải quyết việc làm cho một phần lao động của các địa phương, thị trường tiêu thụ 3 sản phẩm chủ lực (lúa gạo, cá tra, tôm và cây ăn trái) cho vùng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho các địa phương và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cá nhân ông và Ban Chỉ đạo kỳ vọng gì vào MDEC lần này?
Chúng tôi có niềm tin và kỳ vọng là thông qua các hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ MDEC - Hậu Giang 2016 sẽ có nhiều nghiên cứu, đề xuất, sáng kiến góp phần hoàn thiện những giải pháp, cơ chế, chính sách, nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư giữa Đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hàng hóa cho 3 sản phẩm chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống nhân dân.
Ngoài ra, Diễn đàn còn nhằm tăng cường liên kết vùng, hợp tác nội vùng giữa các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh, thành phố trong vùng với các địa phương ngoài vùng; huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội, đầu tư một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tỉnh Hậu Giang - địa phương đăng cai tổ chức MDEC.