Ngày 28/7, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên ký ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Quy hoạch và thu hút đầu tư tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2030 và các năm tiếp theo (gọi tắt Nghị quyết số 09-NQ/TU).
Yêu cầu của Kế hoạch là xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của từng ngành, từng cấp trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch và thu hút đầu tư tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2030 và các năm tiếp theo làm cơ sở cho việc chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về Quy hoạch và thu hút đầu tư tỉnh Hậu Giang; đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và các quan điểm, định hướng, chủ trương, chính sách được đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TU.
Kế hoạch đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng.
Kênh xáng Xà No đoạn chảy qua thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang |
Cụ thể là đa dạng hóa, gia tăng bền vững nguồn thu ngân sách địa phương để tăng nguồn lực đầu tư phát triển. Tăng tỷ trọng tự cân đối ngân sách hàng năm.
Chuẩn bị hạ tầng cho tăng tốc phát triển, bao gồm: Quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp; hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ; hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã.
Chuẩn bị cơ sở hạ tầng xã hội để thu hút lao động nhập cư, giảm dần tỷ suất di cư qua các năm.
Cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng dịch vụ hành chính công, nâng cao các chỉ số về môi trường cạnh tranh, cải thiện thứ hạng trong khu vực và cả nước, bao gồm: Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
Mục tiêu của những năm tiếp theo là xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá. Cân đối được thu, chi ngân sách, theo lộ trình, mục tiêu đề ra. Tăng dần tỷ suất nhập cư và hướng tới trở thành địa phương có tỷ suất di cư thuần.
Bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình được cải thiện mạnh mẽ; phấn đấu vào nhóm tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghị quyết 09-NQ/TU xác định, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là khởi nguồn và là kim chỉ nam trong sự phát triển của tỉnh, với tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Xây dựng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường hợp tác công tư, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tỉnh Hậu Giang tổ chức công bố và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được xác định trong quy hoạch; đồng thời, có giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Đối với nhiệm vụ nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Hậu Giang ưu tiên các ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách như: điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, thiết bị y tế, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chế biến nông sản chủ lực của địa phương; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, hiện đại kết hợp với nghỉ dưỡng cao cấp, giáo dục chất lượng cao.
Các ngành thương mại, dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao như: dịch vụ chăm sóc sức khỏe; giáo dục - đào tạo; du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính quốc tế; logistics và các dịch vụ hiện đại khác.
Về đối tác thu hút đầu tư, Hậu Giang quan tâm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ và thương hiệu. Chú trọng các thị trường đối tác hiện tại như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Thái Lan,...
UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì đầu mối phối hợp với các sở, ngành tỉnh và đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng quý, hàng năm tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện và kịp thời đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.