Sáng 14/7, tại Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp giữa năm 2023), HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với tỷ lệ thống nhất 100%, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, xét Tờ trình số 74/TTr-UBND ngày 27/6/2023 của UBND tỉnh Hậu Giang dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh…, HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
HĐND tỉnh Hậu Giang đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: ĐB |
Theo Quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển hiệu quả, bền vững, tối ưu hóa các nguồn lực, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp phát triển, đạt mức thu nhập khá trong vùng; đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển, thu nhập cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Nam Sông Hậu, tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước, công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn dưới 10%. Cân đối được thu, chi ngân sách bền vững. Trở thành vùng công nghiệp hiện đại, đô thị xanh, nông nghiệp thông minh, du lịch sinh thái, chống chịu biến đối khí hậu, đảm bảo thu nhập cho người dân ở mức khá so với cả nước.
Quy hoạch tỉnh Hậu Giang đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Theo đó, có 5 nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; Cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Hoàn thiện hạ tầng, chú trọng hạ tầng giao thông và công nghiệp; Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Bốn đột phá chiến lược trong thời kỳ quy hoạch là “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ”, trên 3 mặt chiến lược không gian, kinh tế và quản lý kết hợp củng cố quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Cụ thể, một tâm: Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn.
Hai tuyến: Tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.
Ba thành: Ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị: TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.
Bốn trụ: Phát triển 4 trụ cột là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
Theo bà Mã Thị Tươi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu, xây dựng chặt chẽ, đảm bảo tính khoa học, với 1.059 trang báo cáo quy hoạch tỉnh, 214 trang báo cáo tóm tắt, 22 trang nội dung chính được trình bày trong dự thảo Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh. Hồ sơ quy hoạch tỉnh cũng đã được gửi cho đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp đảm bảo thời gian theo quy định.
HĐND tỉnh Hậu Giang giao UBND Tỉnh hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định của pháp luật.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5%, giai đoạn 2026 - 2030 là 10-12%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 10 năm là 8,7%/năm (Đồng bằng sông Cửu Long là 6,5% - 7%)
GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 84 triệu đồng (tương đương 3.600 USD), đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng (tương đương 6.383 USD), gấp 2,85 lần so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2025, tỷ trọng khu vực I còn khoảng 20,4%; khu vực II 32,4%; khu vực III 37,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,4%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, khu vực I còn khoảng 15%; khu vực II 40%; khu vực III 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành trên địa bàn trong 10 năm khoảng 330.000 tỷ đồng, tăng bình quân 8%/năm. Tỷ trọng vốn đầu tư chiếm khoảng 39,5% GRDP.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm. Tổng chi ngân sách 10 năm tăng bình quân 7%/năm, chi đầu tư phát triển tăng bình quân 10%/năm (trong đó chi đầu tư để phát triển kinh tế tăng 15%/năm). Đến năm 2030 về cơ bản cân đối được thu chi từ ngân sách địa phương.