Thực hiện thủ thuật nâng mũi tại một cơ sở chưa được cấp phép Ảnh: T.N |
Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ
Để đáp ứng nhu cầu làm đẹp, nhiều spa, thẩm mỹ viện ra đời. Trong số đó, không ít cơ sở mở “chui”, kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn về y tế vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn.
Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận nhiều nạn nhân của những spa “chui” này. Hầu hết do tâm lý ham rẻ, tin vào những lời chèo kéo trên mạnh xã hội để rồi “tiền mất, tật mang”. Trong số các bệnh nhân vào viện, tỷ lệ do biến chứng sau tiêm filler (chất làm đầy) tương đối lớn.
BS. Tạ Thị Hà Phương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho hay, tiêm filler là thủ thuật đưa hợp chất có tác dụng làm đầy tự nhiên đến vị trí tại các nếp gấp và mô trên khuôn mặt để làm giảm sự hiện diện của nếp nhăn và hồi phục sự căng đầy, giảm các dấu hiệu lão hóa. Nhưng tiêm filler chỉ thực sự an toàn và có hiệu quả khi được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Nếu khách hàng chọn những cơ sở không được cấp phép, nguy cơ rất cao, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề.
Ngày 26/2/2024, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 37 tuổi, tiêm filler tại một cơ sở người quen, bệnh nhân không biết mình được tiêm loại thuốc gì.
Sau khi tiêm 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng cằm, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng gây sốt. Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt tại nhà, nhưng không thuyên giảm. Sau khi xuất hiện các biểu hiện chảy dịch, chảy mủ, thì bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng sản phẩm filler không an toàn.
Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) thông tin, cơ sở vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị biến chứng do làm đẹp.
Bệnh nhân này định tới một cơ sở làm đẹp uy tín, được cấp phép, nhưng vừa tới cổng liền bị đội “cò mồi” dẫn dắt đưa đến cơ sở khác và được giới thiệu là đơn vị trực thuộc cơ sở này để thực hiện làm đẹp.
Tại đây, bệnh nhân thực hiện nhiều dịch vụ trong đó có phẫu thuật nâng mũi, nâng cung mày, tiêm nọng, tiêm cằm… với chi phí 106 triệu đồng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, mắt, mũi của bệnh nhân đều bị viêm nhiễm nặng, khiến bệnh nhân rơi vào stress nặng nề. Các bác sỹ đã phải tháo vật liệu làm mũi trước đó ra, nâng lại mũi cho bệnh nhân bằng cách chồng thêm vật liệu mới.
PGS-TS. Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình cho hay, phần lớn các ca để lại hậu quả nặng nề như viêm nhiễm, hoại tử do phẫu thuật nâng mũi, tiêm filler nâng mũi, nâng ngực hoặc tăng kích cỡ vòng ba. Có trường hợp phải điều trị gần 4 năm với chằng chịt vết sẹo do chích rạch mủ, tổn hại cả về thể chất và tinh thần.
Đừng thờ ơ với tính mạng bản thân
Nói về nguy cơ ở những cơ sở thẩm mỹ “chui”, PGS-TS. Vũ Ngọc Lâm cho biết, ngoài những tai biến có thể nhìn thấy được, thì nguy hiểm hơn là các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, bởi ở các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép, kiến thức, trình độ của nhân viên, cũng như trang thiết bị để kiểm soát lây bệnh hoàn toàn không có.
Theo các chuyên gia y tế, sở dĩ nhiều spa, thẩm mỹ viện hoạt động trái phép, thực hiện nhiều thủ thuật như can thiệp xâm lấn là do quản lý chồng chéo, khi tai biến nặng, gây chết người thì cơ quan quản lý mới biết. Hầu hết khách hàng không khai báo cơ quan chức năng địa chỉ của cơ sở làm đẹp khi xảy ra tai biến, mà chỉ âm thầm đến bệnh viện khắc phục, trừ trường hợp tai biến gây tử vong hoặc rất nặng nề. Công tác quản lý, thanh tra, hậu kiểm đang tồn tại nhiều bất cập khi lực lượng mỏng, sự phối hợp liên ngành còn yếu, nên hầu hết chỉ xử phạt khi vụ việc đáng tiếc xảy ra.
“Chính sự nhập nhèm trong tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ hiện nay như thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, trung tâm thẩm mỹ… khiến người dân không thể phân biệt được đâu là cơ sở được cấp phép can thiệp xâm lấn, đâu là cơ sở chỉ được phép xăm, tỉa lông mày. Trong khi công tác kiểm tra, kiểm soát còn chưa hiệu quả. Cần bổ sung quy định về định danh rõ ràng gắn với ngành nghề đăng ký kinh doanh, giúp người dân không bị nhầm lẫn”, một bác sỹ kiến nghị.
TS. Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cũng cho rằng, ở một số quốc gia, chế tài xử phạt rất nặng. Ví dụ, khi vi phạm một lần, người thực hiện có thể bị thu hồi chứng chỉ vĩnh viễn. Song, ở nước ta, việc xử phạt chưa đủ sức răn đe nên đối tượng chưa sợ.
Còn theo BS. Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E), người dân cần chú ý ba nguyên tắc quan trọng khi làm đẹp, đó là nên lựa chọn các bệnh viện thẩm mỹ chính quy có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; được cơ quan chức năng cấp phép; được thực hiện bởi các bác sỹ có kinh nghiệm, có bằng cấp chuyên môn.