Kỳ họp 14, HĐND tỉnh Quảng Trị khoá VIII diễn ra trong 3 ngày ( từ ngày 7/12 – 9/12/2022). Ngày thứ nhất dành thời lượng để nghe các báo cáo trình Kỳ họp theo luật định; ngày thứ hai thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; ngày thứ ba dành thời lượng cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, tiếp thu của Chủ tịch UBND tỉnh và thông qua các nghị quyết của Kỳ họp. |
“Xoáy” về nguyên nhân giải ngân công đạt thấp?
Tại ngày làm việc thứ hai, kỳ họp dành phần lớn thời gian để các đại biểu thảo luận tại hội trường nhóm vấn đề về KT - XH, thu, chi ngân sách, đầu tư công, đất đai, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; nhóm vấn đề VH - XH, y tế giáo dục, lao động việc làm; nhóm vấn đề về biên chế, sáp nhập đơn vị hành chính, phụ cấp cán bộ cơ sở...
Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đa số đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị đề nghị, đối với các dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu kinh tế đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai trong thời gian dài, đề nghị UBND tỉnh không gia hạn và thu hồi dứt điểm, tránh lãng phí nguồn tài nguyên, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiềm năng có cơ hội vào đầu tư.
Các tổ đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ quan của việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt thấp.
Tổ đại biểu thành phố Đông Hà cho rằng, hiện nay trên địa bàn thành phố Đông Hà, nhiều công trình, dự án do cấp tỉnh làm chủ đầu tư như: Đường 2 đầu cầu sông Hiếu; đường Lê Thánh Tông (đoạn từ đường Hàm Nghi đến đường Trần Bình Trọng...) thi công đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, đề nghị UBND tỉnh quyết liệt chi đạo sớm thi công hoàn thành các công trình.
Tổ đại biểu huyện Triệu Phong cũng đề nghị Tỉnh xem xét điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và nhân dân trên địa bàn huyện có điều kiện về đất đai để phát triển sản xuất.
Phải mạnh tay với dạng dự án “của để dành”
Tổ đại biểu thành phố Đông Hà cho rằng, hiện nay nhiều dự án được UBND tỉnh chấp thuận, giao đất trên địa bàn thành phố nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị rà soát, đề xuất xử lý thu hồi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện nhằm phát huy hiệu quả.
Trong đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh báo cáo công khai, làm rõ tiến độ và kết quả thực hiện 6 dự án từ năm 2016-2021 với tổng mức 116 tỷ đồng (đã giải ngân 56 tỷ đồng), những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục; đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và các ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đó.
Về hệ thống giao thông miền núi, Đại biểu Nguyễn Khánh Vũ (đơn vị huyện Đakrông) nêu thực trạng hệ thống giao thông trên địa bàn các xã miền núi huyện Đakrông xuống cấp, nguy cơ sạt lở một số khu vực gần bờ sông đe dọa đến nơi ở của người dân, nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống còn hạn chế...
Đại biểu Khánh Vũ đề nghị Tỉnh cần quan tâm cân đối bố trí nguồn lực giải quyết những vấn đề này nhằm đảo bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn.
Về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt; huy động mọi nguồn lực đầu tư; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp để hiện thực hóa các mục tiêu đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhất là đối với mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng Miền Trung vào năm 2030. |
Liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh, nhiều đại biểu ý kiến về nguồn vốn giải ngân đầu tư công đạt thấp.
Đại biểu cho rằng cần phải tìm ra điểm nghẽn ở khâu vào, nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của ai, đơn vị, địa phương nào để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đốc thúc thực hiện hiệu quả.
Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính làm cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các đại biểu kiến nghị.
Trước đó, ngày làm việc thứ nhất của HĐND tỉnh Quảng Trị khoá VIII (ngày 7/12), báo cáo giám sát của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA có nêu rõ, UBND tỉnh, cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, tái định cư và các mỏ đất làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng hạ tầng giao thông sử dụng vốn ODA.
Thực hiện các giải pháp mạnh để đưa tài nguyên cơ sở dữ liệu đất đai của Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai kết nối liên thông với các ngành, các địa phương.
Khẩn trương giải quyết vướng mắc để thi công đường hai đầu cầu dây văng sông Hiếu; sớm phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Đông Hà; rà soát lại 3 công trình không thực hiện vì thiếu vốn gồm: Nâng cấp mở rộng đường Hàn Thuyên, đường Nguyễn Thiện Thuật, kè và đường dạo quanh hồ Khe Mây ở TP. Đông Hà để đề xuất hướng giải quyết tiếp theo...
Các địa phương cần tích cực hỗ trợ, chịu trách nhiệm bố trí ngân sách, nhân lực để giải phóng mặt bằng thực hiện các tiểu dự án, dự án có liên quan trên địa bàn.