Cho tỷ giá “bò trườn” để “chặt” đầu cơ
Theo thông tin của Báo Đầu tư, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa có cuộc gặp gỡ với một số ngân hàng thương mại lớn để bàn về cơ chế điều hành tỷ giá mới. Nguồn tin trên cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã gặp gỡ với các chuyên gia đầu ngành để bàn về nội dung tương tự. Xem ra, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện cơ chế điều hành tỷ giá mới và khả năng cơ chế này sẽ được áp dụng vào đầu năm 2016.
Theo hé lộ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cơ chế tỷ giá mới sẽ linh hoạt hàng ngày, tỷ giá có thể thay đổi hàng ngày với sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Cơ chế tỷ giá mới sẽ linh hoạt, tỷ giá có thể thay đổi hàng ngày với sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. |
Cơ chế điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trên cơ sở nhận định của nhà điều hành, rằng căng thẳng tỷ giá thời gian qua chủ yếu là do tâm lý đầu cơ, găm giữ, chứ không phải do mất cân đối cung - cầu. Với cơ chế điều hành tỷ giá mới, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng chặn bớt tâm lý đầu cơ, bởi tỷ giá biến động hàng ngày sẽ khiến việc đầu cơ trở nên rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng kỳ vọng, những giải pháp mới sẽ dần làm mất tính hấp dẫn của ngoại tệ, giống như những gì Ngân hàng Nhà nước đã làm được với vàng.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, liệu tỷ giá căng có phải đơn thuần do yếu tố tâm lý và giải pháp “đánh” vào yếu tố tâm lý của Ngân hàng Nhà nước có giải quyết được tận gốc vấn đề?
Cho đến nay, chính sách tỷ giá vẫn gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, hơn 4 năm qua, tỷ giá được ghim chặt đã phần nào giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Song luồng ý kiến ngược lại cho rằng, chính sách tỷ giá 5 năm qua không chỉ gây tổn hại cho xuất khẩu, mà việc dồn nén quá lâu, khiến tỷ giá trở thành một quả bom nổ chậm. Nếu không khẩn trương đưa ra cơ chế mới linh hoạt hơn, sẽ có lúc “quả bom” này phát nổ.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì được cơ chế tỷ giá tương đối ổn định là nhờ rất nhiều yếu tố tình cờ. Đến nay, những yếu tố tình cờ đó đã hết và việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá là tất yếu.
Cạn dần dư địa cho ổn định tỷ giá
Không thể phủ nhận những nỗ lực lớn của NHNN trong ổn định kinh tế vĩ mô, song cũng phải thấy rằng, cơ chế tỷ giá hiện hành bộc lộ nhiều bất ổn. Do vậy, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất hay nhân dân tệ (CNY) sắp vào rổ tiền tệ thế giới là lý do để Ngân hàng Nhà nước thay đổi cơ chế điều hành.
Thứ nhất, quỹ dự trữ ngoại tệ hiện đã hao hụt và Ngân hàng Nhà nước không thể mãi bán ra ngoại tệ để can thiệp thị trường.
Thứ hai, dù lãi suất tiền gửi USD đã về 0%, nhưng tâm lý găm giữ ngoại tệ tiếp diễn do xu thế tăng lên của đồng bạc xanh vẫn là chủ đạo.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước không thể dùng biện pháp hành chính để “ép” tổ chức, cá nhân bán USD, vì khi đó, USD sẽ lại chảy vào thị trường ngầm.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước cũng không thể nâng lãi suất VND lên để kích thích người dân chuyển ngoại tệ sang nội tệ, vì lãi suất VND đang cao so với khu vực.
TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa để ổn định tỷ giá như những năm trước, do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần lựa chọn thời điểm “buông” tỷ giá để vừa giữ uy tín cho mình, vừa giảm thiệt hại cho nền kinh tế.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cũng cảnh báo, “dẹp” thị trường ngoại tệ không đơn giản như vàng, bởi đô-la hóa nền kinh tế phức tạp hơn vàng, do Việt Nam là nền kinh tế mở với giá trị xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn hơn GDP. Do đó, nắm giữ USD không chỉ nhằm mục đích đầu cơ, mà còn rất nhiều mục đích thiết thực khác.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đang tính tới gửi ngoại tệ phải trả phí để giảm sức hấp dẫn với USD. Thế nhưng, giải pháp này cũng được dự báo không tác động nhiều tới thị trường trong bối cảnh ngân hàng vẫn âm thầm tung nhiều chiêu khuyến mãi để hút tiền gửi huy động bằng USD và thị trường ngầm luôn “chào đón”.
Điểm tích cực của chính sách tỷ giá mới là, dường như Ngân hàng Nhà nước đang tách ngoại tệ khỏi chức năng tiền tệ và tín dụng, đưa về một loại tài sản. Nếu Ngân hàng Nhà nước chuyển đổi thành công, tác động truyền dẫn của USD tới nền kinh tế sẽ được giảm thiểu, khi đó, việc lên xuống của USD sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế, giống như Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thành công với vàng.