Đầu tư
Hé lộ kịch bản đầu tư 41 tuyến cao tốc quốc gia, với tổng vốn 735.340 tỷ đồng
Anh Minh - 04/09/2021 08:36
Phần lớn các tuyến đường bộ cao tốc nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được đầu tư trong vòng 10 năm tới.

“Một trong những tư duy quan trọng nhất trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ - TTg (Quy hoạch 1454) chính là việc xác định đường bộ là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác”, một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính linh hoạt, tính mở  và sự chủ động trong đầu tư, Quy hoạch số 1454 cho phép có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các tuyến đường nếu các địa phương nhận thấy nhu cầu cần thiết đầu tư sớm hơn và có thể thu xếp nguồn lực để triển khai thực hiện. Các địa phương có nhu cầu mở rộng quốc lộ đi qua địa bàn đã được quy hoạch đô thị cũng sẽ được quyền phối hợp nguồn vốn theo hướng trung ương đầu tư phần quy mô theo quy hoạch, địa phương đầu tư phần mở rộng...

Phối cảnh một đoạn đường vành đai 4 Tp.Hà Nội.

Đặc biệt, Quy hoạch số 1454 đã lên danh mục 41 tuyến đường bộ cao tốc, với tổng chiều dài 9.014 km, trong đó ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc khu vực Nam Bộ, Miền Trung - Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và các tuyến vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.

Danh mục 41 tuyến cao tốc được đề cập tại Quyết định số 1354 gồm:

- Trục dọc Bắc - Nam gồm 2 tuyến:

+ Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe gồm 32 phân đoạn.

+ Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe, gồm 26 phân đoạn. 

- Khu vực phía Bắc, gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe.

- Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe.

- Khu vực phía Nam, gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe.

- Vành đai đô thị Hà Nội, gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 429 km (không bao gồm các đoạn đi trùng các tuyến cao tốc khác), quy mô 6 làn xe. 

- Vành đai đô thị  TP.HCM, gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 291 km, quy mô 8 làn xe.

Trong số này, có khoảng 70% đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 3.100 km sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2030. Tổng vốn đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc trong 10 năm tới là 735.340 tỷ đồng.

Hiện tại, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã đề xuất Danh mục Dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 được xác định theo khả năng bố trí nguồn lực cho ngành GTVT/tổng GDP; khả năng huy động nguồn vốn; ưu tiên đầu tư các hành lang vận tải chính, kết nối liên vùng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm có đóng góp GDP lớn; từng bước nâng cao tỷ trọng đầu tư cho các vùng còn khókhăn, có tỷ lệ đầu tư so với dân số thấp như Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng ĐBSCL.

Danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm 25 công trình, gồm 4 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; vành đai 3 TP.HCM; vành đai 4 Hà Nội; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề; An Hữu - Cao Lãnh; Chơn Thành - Đức Hòa; Mỹ An - Cao Lãnh; Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Buôn Ma Thuột - Vân Phong; Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Mộc Bài; TP.HCM - Chơn Thành; Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc; cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn; Chợ Mới - Bắc Cạn; nối Tp. Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Hòa Bình - Mộc Châu; Đồng Đăng - Trà Lĩnh; vành đai 4 TP.HCM; vành đai 5 Hà Nội; Bảo Lộc - Liên Khương; Vinh - Thanh Thủy; Mộc Châu - Sơn La; Phú Thọ - Chợ Bến và Hà Tiên - Rạch Giá.

Bộ GTVT xác định sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức PPP với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thút hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án ở các vùng khó khăn.

Bên cạnh các nguồn vốn truyền thống như: PPP, ODA, ngân sách, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác; các địa phương nghiên cứu, triển khai quy hoạch chi tiết và cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ.

"Trong giai đoạn trước mắt, các cấp có thẩm quyền cần ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng được đầu tư, khai thác các dịch vụ liên quan đến phạm vi của dự án và được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng dài hạn, lãi suất ưu đãi cho đầu tư phát triển", Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất.

Tin liên quan
Tin khác