Thời sự
Hé lộ phương án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Anh Minh - 18/06/2022 22:11
Sau 12 năm hoạt động theo mô hình tổng cục, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ được tổ chức lại thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.
Trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo thông tin của Báo Điện tử đầu tư - baodautu.vn, sáng nay, ngày 18/6, Bộ Giao thông - Vận tải đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Đề án Tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Được biết, tại Tờ trình gửi Bộ Giao thông - Vận tải vào đầu tháng 6/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, phạm vi của Đề án là nghiên cứu tổ chức, bộ máy hiện tại của Tổng cục gồm chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, tài chính, nhân sự, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và đối tượng quản lý của Tổng cục.

Mục tiêu là để xây dựng phương án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 2 đơn vị: Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Đề án cũng chỉ nghiên cứu về tổ chức bộ máy, không đặt vấn đề nghiên cứu và điều chỉnh các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến tổ chức quản lý của chuyên ngành giao thông - vận tải đường bộ.

Theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam có khối tham mưu gồm 7 phòng: Tổ chức – Hành chính; Pháp chế – Thanh tra; Kế hoạch – Đầu tư; Tài chính; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Khoa học - công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế.

Cục Đường bộ Việt Nam có khối thực thi quản lý nhà nước gồm 7 chi cục, trong đó có 6 chi cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV, V, VI và Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Cục Đường bộ Việt Nam có khối đơn vị sự nghiệp gồm 11 đơn vị: Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, 2, 3 và 4; Trung tâm Kỹ thuật và Truyền thông đường bộ; Trường Cao đẳng GTVT đường bộ; Cụm phà Vàm Cống; Ban Quản lý dự án 3, 4, 5 và 8.

Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có khối tham mưu gồm 5 phòng: Tổ chức – Hành chính; Pháp chế – Thanh tra – An toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch – Tài chính; Quản lý đầu tư xây dựng. Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có khối thực thi quản lý nhà nước gồm 3 Chi cục Quản lý đường bộ cao tốc 1, 2, 3 và khối đơn vị sự nghiệp gồm 1 đơn vị: Trung tâm Điều hành giao thông đường bộ cao tốc (ITS).

Với số biên chế cơ quan hành chính năm 2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao là 728, điều chuyển 558 biên chế cho Cục Đường bộ Việt Nam (121 biên chế khối cơ quan, 437 biên chế khối Chi cục) và 170 biên chế cho Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam (65 biên chế khối cơ quan, 105 biên chế khối Chi cục).

Trong giai đoạn thành lập (dự kiến trong năm 2022), Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam được phân bổ 55 biên chế. 

Nhiệm vụ là theo dõi, thực hiện công tác bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước các tuyến đường bộ cao tốc tương ứng với số kilomet đường cao tốc hiện có (khoảng 209 km đường cao tốc do Nhà nước trực tiếp quản lý; khoảng 245 km đường cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT và khoảng 773 km đường cao tốc do các địa phương và VEC đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác).

Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về giao thông - vận tải đường bộ; thực thi quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông - vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước và tổ chức thực hiện một số dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Quyết định số 35/2018/QĐ-TTg ngày 14/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam gồm có: cơ quan tham mưu, giúp việc Tổng cục trưởng gồm 9 vụ; 5 cục trực thuộc và 21 chi cục cơ sở; đơn vị sự nghiệp có 12 đơn vị, gồm 4 ban quản lý dự án chuyên ngành; 5 trung tâm kỹ thuật đường bộ;  Trung tâm truyền thông, thông tin; Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải đường bộ và Cụm phà Vàm Cống.

Tin liên quan
Tin khác