Tại Hội thảo ngày 23/11 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cung cấp thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế một lần nữa nêu bật những ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe con người.
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo. |
Theo đó, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm đến 96,8%; Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Nói về gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá thông tin, số tiền mua thuốc lá trung bình lên đến 49.000 tỷ đồng; chi phí điều trị 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm khoảng 1% GDP.
Về phía Bộ Y tế, theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tỉ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.
“Nếu so sánh thô thì chỉ sau 5 năm, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng 36,5 lần đối với cả hai giới, và tăng lần lượt trong hai nhóm nam giới và nữ giới là 22,75 và 46 lần. Đặc biệt, tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ", bà Trang nêu.
Còn theo nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam năm 2020, tỉ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi ở Hà Nội và TP.HCM hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao.
Với tỉ lệ chung là 7,3%, tỉ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18-24.
Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, 2020 do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỉ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6% .Tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.
Theo các chuyên gia, hiện nay, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok…
Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội. FB, Zalo cá nhân.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Hiện nay, Việt Nam mới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Về quy định của luật, hiện chưa có thông tin về thành phần, các chất có trong thuốc lá mới (trên 18.000 chất và hương liệu), chưa đủ thông tin để xác định thành phần các chất cần kiểm soát trong quy chuẩn kỹ thuật.
“Việt Nam chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử”, bà Trang cho hay.
Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Y tế, việc cho phép thí điểm lưu hành thuốc lá mới có những tác động tiêu cực, đặc biệt là tăng chi phí quản lý và tổ chức thực hiện. Nếu cho phép thí điểm để bắt đầu cho phép sử dụng những sản phẩm này là trái với Nghị quyết COP8 mà Việt Nam là nước thành viên đã tham gia ký kết.
Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Loại thuốc lá này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên, có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Hiện nay, đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, có 7 quốc gia áp dụng quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm, nhưng chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành trên thị trường.
Năm 2020, Văn phòng Tổ chức Y tế tại Việt Nam đã có khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam nên duy trì chính sách cấm hiện hành đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá và nicotine thế hệ mới, có bằng chứng rõ ràng rằng các sản phẩm này không an toàn.
"Việc Việt Nam cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và điều kiện Việt Nam", đại diện Vụ Pháp chế nêu.
Ý kiến của Ths. Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam.
WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. “Đồng thời, tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo, và bán các sản phẩm này", ông Lâm nói.