VN-Index tăng gần 17 điểm, khối ngoại vẫn rút ròng
Sau phiên điều chỉnh mạnh hôm qua, VN-Index nhanh chóng lấy lại những gì đã mất và một lần nữa quay trở lại ngưỡng 1.080 điểm. Chỉ số này đóng cửa ở mức 1.084,4 điểm, tăng 16,9 điểm (+1,56%) so với hôm qua. Đây cũng là mức điểm cao nhất trong phiên hôm nay. Tương tự, HNX-Index thậm chí tăng tới 2,57%, lên 192,46 điểm. Riêng chỉ số trên sàn UPCoM giảm nhẹ 0,19% xuống gần 73 điểm, chủ yếu do cổ phiếu của ông lớn Viettel Global (VGI) và Genco 3 (PGV) giảm giá.
Sắc xanh vẫn là màu sắc chủ đạo trên cả ba sàn. Chỉ có khoảng gần 290 cổ phiếu giảm giá trong phiên hôm nay. Cổ phiếu GVR quay lại tăng trần và trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của chỉ số VN-Index phiên hôm nay. Top 10 cổ phiếu giúp VN-Index tăng điểm hôm nay chủ yếu là nhóm tài chính (TCB, BVH, MSB, VPB, SSI và CTG).
Ghi nhận trong riêng nhóm chứng khoán, 13/24 cổ phiếu đã tăng giá kịch trần. Dòng cổ phiếu chứng khoán từng có thời điểm điều chỉnh mạnh trong phiên hôm qua nhưng đây lại là nhóm hồi phục mạnh nhất.
Một số doanh nghiệp với hoạt động cho thuê khu công nghiệp cũng có cổ phiếu tăng giá mạnh hôm nay nhưTổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), SIP (CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG), IDC (IDICO)… Kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này không thực sự khởi sắc nhưng nhiều chuyên gia phân tích đánh giá cao những doanh nghiệp có quỹ đất công nghiệp lớn nhờ kỳ vọng đón đầu xu hướng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc dù có mức vốn hóa chưa đến 10.000 tỷ đồng nhưng cũng đóng góp đáng kể vào đà tăng của chỉ số VN-Index thời gian gần đây. Vỏn vẹn 2 tuần qua, cổ phiếu KBC đã tăng 39%. Thông tin mới đây từ doanh nghiệp này cho biết đã ký được các hợp đồng cho thuê lại đất với tổng diện tích 150 ha, tương đương tổng giá trị 150 triệu USD trong quý IV này. Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng hé lộ lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu là công nghệ cao, công nghệ điện tử, trong đó có dự án đầu tư của những Tập đoàn lớn nổi tiếng trên thế giới.
Trên thị trường chứng khoán, dòng vốn gián tiếp vẫn chưa quay lại. Số lượng các phiên giao dịch khối ngoại bán ròng vẫn chiếm áp đảo. Giá trị bán ròng trên sàn HOSE phiên hôm nay tăng lên 230,64 tỷ đồng, trong đó riêng HPG bị bán hơn 5,3 triệu cổ phiếu, giúp các nhà đầu tư nước ngoài thu ròng về 216,6 tỷ đồng. Khối ngoại cũng “chốt lời” cổ phiếu KBC với giá trị bán ròng 35,6 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị 13,79 tỷ đồng.
Thanh khoản giảm, nhà đầu tư không còn khổ vì “nghẽn mạng”
Sau phiên giao dịch bùng nổ thanh khoản sáng hôm qua, sàn HoSE ngay lập tức chỉ xuất hiện các giao dịch nhỏ giọt trong phiên chiều. Hàng loạt các công ty chứng khoán gửi thông báo đến các nhà đầu tư về hiện tượng không nhận được kết quả giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh tại các thời điểm số lượng lệnh giao dịch tăng mạnh và khẳng định đây là sự cố bất khả kháng đối với các công ty chứng khoán.
Thanh khoản phiến sáng nay không còn tình trạng ồ ạt như hôm qua. Tuy nhiên, nhờ giao dịch thông suốt ở phiên chiều, giá trị giao dịch trên sàn HoSE vẫn đạt hơn 12.900 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 11.399 tỷ đồng, cũng chỉ giảm 12,3% so với phiên trước.
Trên sàn HNX, sau khi nhiều tổ chức chuyển sàn sang HoSE mà gần nhất là VCG (22/12), thanh khoản vẫn ở mức cao với gần 114,8 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị giao dịch 1.480,9 tỷ đồng.
Liên tục trong những ngày cuối năm, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đã chấp thuận thêm hồ sơ niêm yết của 6 doanh nghiệp với tổng khối lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết đạt 673,8 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu VCG với 441,7 triệu cổ phiếu niêm yết cũng là cổ phiếu có mức thanh khoản ấn tượng khi còn giao dịch trên sàn HNX. Lượng cung hàng hóa ngày càng mở rộng cùng lực cầu lớn từ các nhà đầu tư sẽ là vấn đề thách thức với hệ thống giao dịch để tránh các sự cố tương tự phải lặp lại.