Sáng 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 850).
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua gần 4 tháng triển khai Nghị quyết 98 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, các bộ đã trình ban hành hai quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, triển khai Nghị quyết 98; TP.HCM đã hoàn thành 7 nhiệm vụ, cơ bản hoàn thành 4 nhiệm vụ, các nhiệm vụ còn lại đang được các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện theo tình hình thực tế...
Đây là bước khởi đầu tích cực để đẩy nhanh triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù đã được giao, tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển đột phá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách về huy động, sử dụng nguồn lực đã được ban hành.
Thủ tướng chủ trì hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: VGP |
Thông tin thêm về tiến độ triển khai Nghị quyết 98, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, theo Quyết định 896 về phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Thủ tướng thì hiện có 2/11 nhiệm vụ đã được các bộ, ngành Trung ương hoàn thành.
Thành phố có 7/22 nhiệm vụ hoàn thành, 4 nội dung cơ bản hoàn thành; các nhiệm vụ khác Thành phố sẽ tập trung hoàn thành trước 31/12/2023. Trong đó, HĐND Thành phố đã tổ chức 3 kỳ họp, ban hành 14 nghị quyết thuộc thẩm quyền; còn 12 nội dung theo thẩm quyền sẽ được thông qua tại kỳ họp HĐND cuối năm.
Đối với UBND Thành phố, đã hoàn thành 4/25 nội dung; đã cho ý kiến 15/25 nội dung; còn lại 6 nội dung tập trung hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
“Như vậy, công tác cụ thể hóa theo thẩm quyền của HĐND, UBND Thành phố để triển khai các nội dung của Nghị quyết 98 sẽ được hoàn thành trong năm nay”, ông Mãi khẳng định.
Thành phố đã lập Hội đồng Tư vấn gồm các chuyên gia, các nhà quản lý. Hội đồng đã tổ chức 2 phiên họp và đưa ra 20 khuyến nghị, một phần để triển khai các chính sách cụ thể, nhưng phần lớn hơn là từ các cơ chế, chính sách này nghiên cứu để giải quyết các vấn đề lớn của Thành phố, như đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số nội dung mới chưa có khung pháp lý, cần tiếp tục nghiên cứu và sự phối hợp đa ngành như các vấn đề về TOD; cân bằng phát thải; thu hút đầu tư chiến lược. Ngoài ra, ông Mãi nhận định khối lượng công việc rất lớn so với tổ chức bộ máy nên đội ngũ cán bộ, công chức viên chức của Thành phố bị quá tải.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Về định hướng triển khai Nghị quyết số 98 trong tháng 12/2023 và năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Thành phố cần phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tập trung triển khai các chính sách có tính đột phá, vượt trội, huy động nguồn lực, để tạo đà cho TP.HCM phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, Thành phố và các bộ, cơ quan Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế cho phép thành phố vay một khoản đủ lớn (khoảng 20 tỷ USD) để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Điều này nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, mở rộng không gian TP.HCM sang các địa phương lận cận trong vùng. Đồng thời, thay đổi một cách cơ bản về hạ tầng của thành phố, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho thành phố, góp phần quan trọng phát triển các đô thị vệ tinh và tận dụng, phát triển được không gian ngầm.
Để áp dụng hiệu quả chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), TP.HCM khẩn trương rà soát quy hoạch đô thị, rà soát quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận xung quanh nhà ga và tuyến Metro số 1, số 2, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4.
Đặc biệt, để sớm thu hút nhà đầu tư chiến lược, Bộ Giao thông Vận tải cần rà soát, bổ sung chức năng khu bến cảng Cần Giờ tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Qua đó, có căn cứ trình cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, phối hợp thành phố thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để có quỹ đất thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu về hai nghị định, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong tháng 12/2023.