Bác sỹ thăm khám bệnh nhân cấp cứu do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Ảnh: Hoàng Hưng |
Tăng nhiệt độ, thêm nỗi lo
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường cao như hiện tại, nỗi lo ngộ độc thực phẩm càng tăng cao. Bác sỹ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho hay, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi và phát triển nhanh chóng.
Các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E. Coli, Campylobacter, Listeria... gây ra. Trời nóng còn làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều trường hợp rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Theo bác sỹ Hoài Phương, nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập rất cao ở các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa.
Ngộ độc cũng thường xảy ra khi ăn thực phẩm chưa được nấu chín hoặc còn tái như rau quả sống, sushi, nem chua. Bác sỹ cũng khuyên mọi người lưu ý khi dùng thực phẩm bảo quản trong hộp, chai, lọ đóng kín như dưa cải muối chua; thịt, cá đóng hộp vì có nguy cơ xảy ra ngộ độc do vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum. Vụ việc chùm ca bệnh 7 người ngộ độc tại TP.HCM, trong đó có 1 trường hợp tử vong, 2 trường hợp tiên lượng xấu là một bài học đau xót về thói quen sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Ngay khi có dấu hiệu và triệu chứng giống như ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được bác sỹ thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh để nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm nặng.
Gần đây nhất, ngày 26/5, thông tin từ Sở Y tế Lâm Đồng cho hay, trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn, khiến 49 người phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn cỗ. Còn tại Hà Nội, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 44 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng thiếu máu nặng do ngộ độc thực phẩm. Ngoài nữ bệnh nhân 44 tuổi nêu trên, thì người con thứ hai của bệnh nhân (nam 12 tuổi) cũng trong tình trạng tương tự, được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Qua khai thác bệnh sử của bệnh nhân, được biết bệnh nhân này mua 100 gam bột màu thực phẩm có màu đỏ tươi (gọi là bột mai quế lộ) ở chợ. Bệnh nhân trộn hơn 50 gam bột với thịt lợn xay và gói nem rán. Bệnh nhân cùng 2 con ăn nem vào các bữa trưa. Sau khi ăn bữa cuối 2 ngày, bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu, sau đó phải nhập viện.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mẫu bột màu thực phẩm được xét nghiệm phát hiện thấy có a-xít orange 7. Hóa chất a-xít orange 7 được dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Với liều cao trên động vật có thể gây tan máu và methemoglobin. Trên y văn chưa thấy có thông tin gây ngộ độc trên người.
Theo tiêu chuẩn của ASEAN năm 2012 về hàm lượng phụ gia trong các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng, hàm lượng a-xít orange 7 tối đa cho phép là 300 mg/kg (0,03%). Được biết, vào năm 2021, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhân ở Hà Nội bị tan máu cấp, methemoglobin sau khi ăn thịt bò sốt vang tự nấu với bột sốt vang màu đỏ mua ở chợ. Mẫu bột phẩm màu bệnh nhân đã dùng qua xét nghiệm thấy hóa chất a-xít orange 7 với hàm lượng 20%. Bệnh viện Bạch Mai khi đó đã có công văn báo cáo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về vấn đề này.
Cũng về ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) vừa xác nhận, trên địa bàn có hàng chục người phải nhập viện sau khi dự tiệc cưới tổ chức tại xã Ea Wer vào tối ngày 4/5. Đại diện Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn thông tin, đến thời điểm này, có 20 người nhập viện điều trị. Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân khiến hàng chục người này phải nhập viện điều trị.
Sử dụng thực phẩm khoa học
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, trong mùa hè nắng nóng, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, nấu thức ăn không chín kỹ, nấu xong không ăn ngay, hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh truyền qua thực phẩm do phát sinh vi khuẩn gây hại.
Cơ quan này khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh lợn, gà, vịt... vì chứa rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng như liên cầu lợn, giun sán. Những món ăn này không có tác dụng bổ máu, giải nhiệt trong mùa nóng như nhiều người lầm tưởng.
Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, người dân cần ăn chín (thức ăn không ôi, thiu, không để quá 2 giờ sau chế biến) và uống nước đã được đun sôi. Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng (có vi khuẩn sinh hơi, có thể là Clostridium botulinum).
Các loại quả tươi phải được ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn. Người dân không nên ăn rau sống, kể cả các loại rau ăn kèm trong nhân bánh mì, phở, bún chả, thịt nướng. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.
Các loại thực phẩm cần phải nấu chín. Thực phẩm chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn nếu muốn giữ lại, thì chỉ để ở nhiệt độ phòng không quá 2 giờ, sau đó cần bảo quản trong tủ lạnh. Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh thì tuyệt đối không mua.