Việc EP phê chuẩn EVFTA có ý nghĩa lớn, qua đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của các bên. Việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp Việt Nam có cơ hội thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Trong quá trình đàm phán, phía EU đặc biệt quan tâm tới một số vấn đề như liên quan đến luật pháp. Vậy, Việt Nam đã có chuẩn bị gì cho việc này?
Để chuẩn bị cho việc tiếp cận và triển khai EVFTA, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan đã sớm triển khai nhiều công việc. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), phê chuẩn Công ước 98 của ILO (về quyền tổ chức và thương lượng tập thể) và đang trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các luật khác có liên quan, tập trung vào rà soát, sửa đổi để phù hợp với cam kết của Việt Nam tại EVFTA, cũng như CPTPP và các cam kết quốc tế khác.
Dự kiến Việt Nam sẽ tiếp tục công việc chuẩn bị để tiến tới phê chuẩn Công ước 105 về lao động cưỡng bức vào năm 2020 và Công ước 87 về tự do hiệp hội vào năm 2023. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các công việc cần thiết để tiến tới việc trình phê chuẩn các công ước này theo quy định.
Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi cũng đã hài hòa hơn, tiệm cận với nhiều nội dung và nguyên tắc cơ bản của các Công ước cơ bản về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để tạo điểu kiện thực hiện cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại thế hệ mới, tăng cường bảo vệ người lao động, hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Các vấn đề liên quan như quyền của người lao động; những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững; kiểm dịch động vật; hay vấn đề chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo... đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp để tháo gỡ.
Ví dụ, trong năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về IUU để lấy lại “thẻ xanh” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững; chấm dứt tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý, không khai báo. Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 cuối năm 2019 đề xuất các giải pháp cụ thể để Chính phủ quan tâm trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Các bộ, ngành cũng đã thông tin, truyền thông một cách mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, hiểu đầy đủ về các nội dung của Hiệp định này.
Theo ông, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ đóng góp như thế nào trong tương lai kinh tế Việt Nam?
EVFTA được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, nhất là các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng thêm khoảng 20% và kim ngạch nhập khẩu từ EU tăng khoảng 15,28% trong năm 2020 so với khi không có Hiệp định; GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023, tăng việc làm khoảng 146.000 lao động mỗi năm…