Ngày 4/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các Nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng".
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá thành tựu phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam, tác động kích hoạt thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội từ khi thực hiện chủ trương hợp tác công - tư (PPP); đánh giá công tác đầu tư, đấu thầu, quản lý vốn các công trình dự án hạ tầng giao thông trong thời gian qua; những chủ trương, chính sách đúng, những rào cản, bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật trong công tác quản lý điều hành về xây dựng, khai thác các công trình, dự án hạ tầng giao thông; thực trạng năng lực các nhà đầu tư trong nước, so sánh với các nhà đầu tư nước ngoài, những vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các công trình dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội...
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nhiều công trình hiện đại được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới và đóng góp tự nguyện của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.
Tuy nhiên song song với các hình thức đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh được đa dạng hoá, mở rộng thì hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, được coi là “điểm nghẽn” của quá trình phát triển, ông Hồ Quang Lợi nói.
Toàn cảnh Hội thảo |
Dẫn chứng số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, nhu cầu nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông là rất lớn và hiện nay ngân sách mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Vì thế, một trong những giải pháp để tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông chính là hình thức đối tác công tư - PPP. Đây là hình thức không mới và một số nước thường áp dụng ở giai đoạn đầu cần nguồn lực để phát triển đất nước.
Tuy nhiên với những bất cập ở một số dự án BOT mà dư luận đang nhắc đến, vị lãnh đạo Bộ Giao thông và Vận tải suy nghĩ và đặt câu hỏi: thông thường, nhắc đến việc đầu tư xây dựng BOT là phải làm con đường mới, tránh con đường độc đạo để người dân có lựa chọn. Tuy nhiên, nếu nói như vậy thì việc này chỉ phù hợp với xây dựng đường cao tốc. Vậy thì những đường nhỏ, đường xuống cấp thì phải làm sao trong khi ngân sách không đáp ứng nổi? Thực tế có nhiều con đường độc đạo nếu cho làm BOT thì lợi ích nó mang lại rất nhiều.
Trong khi đó, đại diện phía nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch tập đoàn Đèo Cả cũng nêu ra một số khó khăn mà công ty này đang vướng phải khi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Thứ nhất, cơ chế chính sách thường xuyên thay đổi là một trong những nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc tới quá trình quản lý, thực hiện dự án.
Thứ hai liên quan tới vấn đề vốn và ngân hàng, ông Hoàng cho rằng ngân hàng phải là bạn đồng hành với chủ đầu tư trong việc cho vay vốn thực hiện dự án từ những bước đầu tiên cho tới khi hoàn thiện. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Họ chỉ biết thu đủ, thu xong nhưng nếu có bất lợi thì họ ngừng cấp vốn. Như vậy thì chủ đầu tư chúng tôi phải sống như thế nào?
Thứ ba liên quan tới cơ quan kiểm tra, giám sát. Và thứ tư liên quan tới vấn đề truyền thông. Vị lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chủ đầu tư nhưng vẫn có những cơ quan báo chí dẫn dắt vấn đề tạo hiểu nhầm và phản ứng trong dư luận. Điều này không chỉ gây khó khăn cho chủ đầu tư mà còn tạo áp lực lớn tới hệ thống chính quyền.
Với ý kiến cho rằng, giải pháp tiếp tục kêu gọi tư nhân đầu tư thông qua hình thức PPP là tất yếu, không chỉ đầu tư đường bộ mà còn phải đầu tư cả đường biển, đường sông và đường sắt, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội nhấn mạnh, cần phải minh bạch trong các vấn đề về BOT, đảm bảo không chỉ lợi ích vật chất mà còn là lợi ích tinh thần cho cả phía Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Về phía Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội mong muốn, cần sớm có Luật về PPP. Trong đó quy định rõ về công tác công bố dự án, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch. Xây dựng và tôn trọng nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP trong đó đặc biệt các quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư.
Trong phát biểu bế mạc, ông Hồ Quang Lợi khẳng định, từ tiếng nói của người trong cuộc, của các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các chuyên gia, những người nhiều năm trăn trở với lĩnh vực hạ tầng giao thông đất nước và những dẫn chứng thuyết phục của cơ quan kiểm toán, ngân hàng đã phản ánh khá toàn diện, chân thực mô hình BOT của cả nước. Qua đó giới báo chí truyền thông nhìn nhận được thực trạng, nhìn lại chính mình để làm tốt hơn vai trò của báo chí là xóa bỏ sự nhìn nhận thiên lệch và định kiến trong một bộ phận của cộng đồng xã hội về BOT.