Tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE đang làm nhà đầu tư mệt mỏi và bị thiệt hại không nhỏ. |
Từ bịt mắt dò đường đến ngưng hủy/sửa lệnh
Một lệnh ủy nhiệm chi khi thực hiện tại ngân hàng nếu viết sai đều có thể sửa lại. Các giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng vậy. Với mỗi lệnh giao dịch trong phiên khớp lệnh liên tục được đưa vào hệ thống mà chưa thực hiện, nhà đầu tư đều có thể hủy bỏ hoặc điều chỉnh mức giá mong muốn.
Nhưng đó là thông thường trước đây. Trong phiên giao dịch ngày 2/6, lần đầu tiên, các công ty chứng khoán đã tạm dừng tính năng sửa/hủy lệnh của khách hàng khi giao dịch trên sàn HoSE, một số công ty chỉ dừng trong khung giờ “nóng”, một số nơi dừng toàn bộ. Mỗi quyết định đặt lệnh vào hệ thống sẽ là một mũi tên bắn ra không thể thu hồi.
Phương án không cho phép nhà đầu tư hủy, sửa lệnh trong phiên từng là một trong các giải pháp được nêu ra khi hệ thống sàn HoSE liên tục trong tình trạng quá tải thời gian trước, ước tính có thể giảm 30% số lệnh vào sàn mỗi ngày. Nhưng mặt trái của phương án này lại rất rõ ràng khi trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư.
Cũng hơn 2 tuần trở lại đây, khi hiện tượng nghẽn lệnh quay trở lại, nhà đầu tư đã phải thích nghi với tình trạng “bịt mắt, dò đường”, nhảy số sai của bảng điện tử. Gần nhất, sàn HoSE đã phải lựa chọn “biện pháp không mong muốn” là bỏ phiên giao dịch chiều để tránh “sập sàn” hoặc sự cố không đóng cửa thị trường được.
Tâm lý của các nhà đầu tư chịu tác động ít nhiều sau quyết định cực chẳng đã này. Theo quan điểm của ông Ismael Pili, Trưởng bộ phận Phân tích của Công ty quản lý quỹ Vinacapital, thanh khoản là điều quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào, dù là nước ngoài hay trong nước.
Với các nhà đầu tư trong nước, điều này có thể không gây cản trở. Tâm lý sợ bị bỏ lại (FOMO) cùng việc các lệnh giãn cách xã hội đã trở lại áp dụng với nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam đang tạo điều kiện để các nhà đầu tư nhỏ lẻ có nhiều thời gian hơn để thực hiện các giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, khả năng “vào và ra” cổ phiếu luôn là yếu tố được cân nhắc chính. Do đó, việc sàn HoSE phải ngừng giao dịch sớm do hạn chế về năng lực nói chung sẽ là một vết gợn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những cơ hội bị bỏ lỡ ngày càng lớn
Như một hiệu ứng dây chuyền, tình trạng nghẽn lệnh đang khiến nhà đầu tư phải tập quen với các giao dịch lô lớn hơn, quen với việc đặt lệnh mà không phải phụ thuộc nhiều vào bảng điện tử hay đặt lệnh không sai sót. Đặt ra một kế hoạch chủ động giao dịch là lời khuyên của các công ty chứng khoán tới các nhà đầu tư để thích nghi trong tình hình mới. Nhưng trên hết, điều đáng lo ngại hơn là sự méo mó của thị trường, nếu xảy ra sẽ xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.
Theo một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường, việc Chỉ số VN-30 vốn mang tính đại diện khi tập hợp các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất cùng thanh khoản cao lại đang chênh tới 150 điểm so với chỉ số chung VN-Index. Khoảng cách lớn này là một điều bất bình thường.
- Ông Ismael Pili, trưởng bộ phận phân tích công ty quản lý quỹ Vinacapital
Giới đầu tư từng đặt ra nghi vấn với phiên giao dịch đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 5 (ngày 20/5) khi các trụ trong nhóm VN30 được kéo tăng mạnh ở phiên ATC, nhanh hơn rất nhiều so với thời gian giao dịch trước. Khi đó, hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra ở hầu hết các công ty chứng khoán, nhưng vẫn còn qua được “khe cửa hẹp” ở công ty chứng khoán nhỏ còn “quota”. Giá trị giao dịch không quá lớn, nhưng vẫn có thể “lái” chỉ số ở thời điểm quyết định.
Trong một chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI cho rằng, thị trường cần tránh tình trạng méo mó, gây ra sự nghi ngại của nhà đầu tư, mà khi xuất hiện nghi ngại là không tốt. Câu chuyện quan trọng của thị trường từ nay đến cuối năm, theo ông, cũng là giữ cho hệ thống thông suốt. Do vậy, việc cải thiện hệ thống giao dịch càng cần nhanh chóng thực hiện.
Đưa ra một cái nhìn khá lạc quan về dòng tiền của khối ngoại trong tương lai, ông Ismael Pili cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm quay trở lại Việt Nam cũng như các thị trường mới nổi và cận biên sau khoảng thời gian tập trung ở một số thị trường phát triển có sức hấp dẫn lớn hơn. Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng mở đường cho việc nối lại các hoạt động kinh tế, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn cùng sự hấp dẫn về USD yếu hơn sẽ thu hút dòng tiền này trở lại.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, hạ tầng giao dịch khi đó sẵn sàng cho sự trở lại này hay chưa? Khi thanh khoản là một trong những ưu tiên hàng đầu với nhà đầu tư nước ngoài, tình trạng nghẽn lệnh nếu còn kéo dài sẽ khiến thị trường tiếp tục bỏ lỡ cơ hội với dòng tiền trở lại này.
Nguồn thu từ phí giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán đã tăng đột biến trong năm 2020, thực tế đã có thể lớn hơn nếu năng lực tiếp nhận của sàn HoSE không gặp hạn chế. Nguồn tiền này sẽ chảy về ngân sách nhà nước hoặc được giữ lại để phục vụ đầu tư phát triển. Một khoản đóng góp khác cho Nhà nước là thuế thu nhập cá nhân cũng tăng lên khi giao dịch của thị trường chứng khoán trở nên sôi động với sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư cá nhân mới.
Quan trọng hơn, kênh đầu tư chứng khoán đang dần khẳng định vai trò kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, hiện vẫn còn rất nhỏ bé nếu so với kênh tín dụng ngân hàng. Cơ hội để lớn hơn đang gặp những hạn chế vì hệ thống chưa chạy theo kịp của HoSE.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những cơ hội bị bỏ lỡ này?