Hai nhà máy mắc ca sắp hoàn thành
Cơn sốt mắc ca cùng những thông tin trái chiều về loại cây trồng “tỷ đô” này đã lắng dịu. Tuy nhiên, theo nguồn tin của LienVietPostBank, hiện dự án vẫn đang được ráo riết tiến hành.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Trưởng ban Chỉ đạo Nghiệp vụ và Truyền thông Mắc ca cho hay, trong một năm qua, LienVietPostBank và Công ty Cổ phần Him Lam cũng đã tích cực triển khai một loạt hoạt động nhằm phát triển cây mắc ca tại Việt nam như xúc tiến các thủ tục thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, tổ chức các đoàn thực tế trong nước và các nước hàng đầu về công nghiệp mắc ca như Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ; tham gia Hiệp hội Mắc ca Úc; thuê chuyên gia nước ngoài và trong nước tư vấn lập chiến lược phát triển mắc ca; tài trợ nghiên cứu cây mắc ca; tiến hành nghiên cứu và khảo sát trong nước; xây dựng quy định cho vay mắc ca; tổ chức các chiến dịch truyền thông để độc giả hiểu tiềm năng và hiểu đúng về mắc ca…
Cho đến nay, hai nhà máy chế biến mắc ca sắp hoàn thành. Nhà máy chế biến mắc ca tại Quảng Trị của Tập đoàn Him Lam đã hoàn thành 90% và dự kiến quý 1/2016 sẽ đưa vào sử dụng. Công ty Him Lam cũng đã xây dựng hai vườn ươm lớn tại Tỉnh Lâm Đồng có công suất một triệu cây giống/năm/vườn. Nhiều tỉnh Tây Nguyên đã công bố quy hoạch trồng cây mắc ca.
Đặc biệt, qua việc phát trên 1.000 phiếu điều tra thông tin tới các hộ nông dân Tỉnh Lâm Đồng thì kết quả cho thấy có đến 48% tỉ lệ người dân sẵn sàng trồng mắc ca khi được hưởng các ưu đãi: được vay vốn lãi suất thấp từ LienVietPostBank; được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chăm sóc; được Công ty Him Lam thu mua sản phẩm; được tham gia cổ phần vào Công ty chế biến mắc ca của Him Lam.
Bộ NN&PTNT “làm khó” phát triển mắc ca?
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, để phát triển mắc ca, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cần đổi mới tư duy, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”... Đáng lẽ, với tư cách là đơn vị chủ quản, Bộ cần đi đầu trong việc nghiên cứu giống cây trồng, tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển, hỗ trợ tín dụng và bao tiêu sản phẩm... Tuy nhiên, với mắc ca, các doanh nghiệp muốn đầu tư, ngân hàng muốn cho vay thì Bộ lại ra sức ngăn cản (ví dụ ngăn cản nhập giống).
Ông Nguyễn Đức Hưởng cũng cho biết thêm, Chính phủ đã có Nghị định 210/2013/NĐ-CP, đã có chỉ đạo các ngành và cơ chế hỗ trợ ngân sách cho phát triển mắc ca nhưng đã 3 năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa có hướng dẫn cụ thể nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có cơ sở để hướng dẫn cho vay phát triển mắc ca.
Chính vì vậy, Ông Nguyễn Đức Hưởng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để mắc ca phát triển bền vững tại Việt Nam.
Thứ nhất, thay đổi quy định về hỗ trợ trồng cây mắc ca tại (Nghị định 210 quy định dự án trồng mắc ca có quy mô 50ha trở lên mới hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, nhân giống nhưng thực tế, phần lớn đất riêng của hộ dân trồng mắc ca đều dưới 50 ha.
Thứ hai, Bộ NN&PTNT chỉ ban hành định hướng, còn xác định cụ thể quy hoạch từng địa phương do địa phương chịu trách nhiệm và cần đẩy nhanh xây dựng chương trình quốc gia về mắc ca.
Thứ ba, NHNN ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn.
Thứ tư, Chính quyền các tỉnh cần đưa mắc ca vào Đề án tái cơ cấu kinh tế địa phương và xây dựng bản quy hoạch phát triển mắc ca tại địa phương trên cơ sở rà soát lại quỹ đất, đặc biệt là đất đang trồng cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, đất trồng các cây hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng mắc ca.