Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank |
Trao đổi với báo chí ngày 14/5 về tình hình thực hiện dự án trồng mắc ca ở Tây Nguyên, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết, sau Hội thảo chiến lược về phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên cách đây hai tháng, mắc ca được dư luận đặc biệt quan tâm với cả những ý kiến thuận chiều và phản đối.
Hiện nay, liên quan đến mắc ca, Bộ NN&PTNT đã có hai văn bản: Một văn bản đề xuất Chính phủ quy hoạch khoảng 10.000 trồng mắc ca và một văn bản yêu cầu các tỉnh tiến hành quy hoạch diện tích trồng mắc ca. Hiện nay đã có hai tỉnh quy hoạch mắc ca là Lam Đồng và Đăk Nông, diện tích quy hoạch của hai tỉnh này đã vượt gấp 3 lần con số dự kiến của Bộ NN&PTNT (hơn 30.000 ha).
Được biết, mới đây, Him Lam và LienVietPostBank đã mời đoàn chuyên gia của Mỹ, trong đó có cả chuyên gia cao cấp của Bộ Nông nghiệp Mỹ và chuyên gia về mắc ca. Đoàn đã kết luận, đất Tây Nguyên thích hợp để trồng mắc ca và thị trường tương lai của mắc ca cũng rất tốt. Trên thế giới, diện tích đất trồng mắc ca không nhiều vì đây là cây trồng kén chọn đất.
"Him Lam đã chính thức đề nghị tỉnh Lâm Đồng cho phép xây dựng nhà máy chế biến mắc ca ở Bảo Lộc, nhà máy sắp được khởi công", ông Hưởng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hưởng, hiện một nhà máy chế biến mắc ca cũng đang được xây dựng tại Khe Sanh (Quảng Trị). "Tại Hội thảo chiến lược về phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, một nhà đầu tư Úc đã phát biểu ý kiến về mắc ca rất đáng chú ý về dự án mắc ca tại Khe Sanh (Quảng Trị). Khi tôi đem vấn đề này ra, Bộ NN&PTNT phản đối vì Quảng Trị là vùng đất khô, nắng nóng, gió lào. Tuy nhiên, tôi vừa vào Khe Sanh và thực tế hoàn toàn khác. Nhà đầu tư Úc này cho biết đã dẫn đoàn doanh nghiệp Úc khảo sát Quảng Trị cách đây 2 năm và xác định Khe Sanh là nơi cực kỳ tốt cho mắc ca. Vì nơi đây có vùng tiểu khí hậu còn mát mẻ hơn cả Tây Nguyên, vì có dãy Trường Sơn che chắn. Đặc biệt hơn, trồng mắc ca ở đây không phải tưới vì mưa khá đều. Đến nay, DN Úc đã thu về được 20 triệu USD và đang xây dựng nhà máy ở Khe Sanh. Trước mắt, doanh nghiệp này chưa có nguyên liệu tại chỗ mà phải nhập nguyên liệu từ Úc, sau đó chế biến và xuất khẩu ngược sang Úc mà vẫn có lãi".
Từ thực tế của nhà đầu tư Úc ở Khe Sanh (Quảng Trị), Phó Chủ tịch LienVietPostBank khẳng định, trồng mắc ca sẽ có lãi. Hơn nữa, với nhà máy của DN Úc và nhà máy của Him Lam sắp được khởi công, người dân sẽ yên tâm về đầu ra.
Ông Nguyễn Đức Hưởng cũng tiết lộ, từ 1/6/2015 tới đây, tức chỉ trong vòng nửa tháng nữa, LienVietPostBank sẽ tiến hành cho vay phát triển mắc ca theo quy hoạch tại các tỉnh Tây nguyên.
Một điểm đặc biệt nữa của dự án mắc ca mà LienVietPostBank và Him Lam đang triển khai là có thể sẽ mở ra cơ hội việc làm cho hàng trăm tù nhân các tỉnh Tây nguyên.
"Vừa rồi chúng tôi đi tham quan 5 trại giam của Công an 5 tỉnh tây nguyên và đã phát hiện ra khoảng 1.500-2.000 ha có thể trồng mắc ca, hiện đang bỏ không. Nếu được đưa vào sản xuất, diện tích đất này có thể tạo ra việc làm cho hàng trăm tù nhân, kể cả việc làm ổn định cho những người sau này ra tù", ông Hưởng nói.
Với những triển vọng tốt của cây mắc ca, lãnh đạo LienVietPostBank tin tưởng, chắc chắn Tây Nguyên sẽ trở thành thủ phủ mắc ca của Đông Nam Á trong tương tai.