Thời sự
Hình sự hoá hành vi trốn đóng bảo hiểm
Hữu Tuấn - 04/05/2013 06:32
Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, nghiên cứu tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và việc xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm pháp luật BHXH.
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp dệt may nợ đọng bảo hiểm nhiều nhất. Ảnh: S.T

Trước đó, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để đối phó với tình trạng doanh nghiệp chây ỳ nợ đóng bảo hiểm, Bộ đã có công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý theo hướng hình sự hoá hành vi nợ đọng tiền BHXH mà người lao động đã đóng.

Trên thực tế, tình trạng nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tồn tại từ nhiều năm nay như một căn bệnh mạn tính của doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu của BHXH Việt Nam cho biết, hết quý I/2013, toàn ngành bảo hiểm bị nợ gần 9.200 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với năm 2012.

Riêng tại Hà Nội, tính đến hết ngày 31/12/2012, có 1.456 đơn vị nợ BHXH, với tổng số tiền nợ là 1.040 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 2/2013, đã có đến 2.079 đơn vị nợ BHXH, với tổng số tiền nợ là hơn 1.500 tỷ đồng. Tình trạng này đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến việc đảm bảo quyền lợi của người được hưởng bảo hiểm.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm là do mức phạt chậm đóng chỉ là 10%/năm, nhưng nếu vay vốn bên ngoài thì lãi suất lên đến 15 - 20%/năm. Vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng.

Một nguyên nhân khác, theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc BHXH Hà Nội, là do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp còn không có tiền để trả lương cho công nhân, nên gia tăng nợ BHXH.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, nhưng vẫn cố tình chây ỳ không nộp bảo hiểm, hoặc vẫn khấu trừ tiền bảo hiểm vào lương hàng tháng của người lao động, song không nộp cho cơ quan bảo hiểm. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính cao nhất hiện nay đối với hành vi chiếm dụng này chỉ là 30 triệu đồng, nên chưa đủ sức răn đe.

Thời gian qua, BHXH tại TP.HCM, Hà Nội, Quảng Bình… đã khởi kiện ra tòa một cách quyết liệt các doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng bảo hiểm, nhưng kết quả đạt được cũng không cao. Trong năm 2012, gần 600 doanh nghiệp tại TP.HCM đã bị kiện ra tòa vì nợ BHXH, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong cả nước bị khởi kiện vì nợ bảo hiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ đòi được nợ BHXH cũng chỉ đạt gần 28% so với số nợ phải thu. Tương tự, tại Hà Tĩnh, số nợ thu được so với mức nợ ghi trong bản án của tòa cũng chỉ đạt hơn 30%.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng, việc đưa vào Luật Hình sự việc xử lý các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm là động thái quyết liệt từ các cơ quan chức năng. Quy định này nhiều khả năng sẽ được hạn chế một cách hiệu quả tình trạng dây dưa nợ BHXH.

Tin liên quan
Tin khác