Doanh nghiệp
Hình thức đa kênh lên ngôi trong ngành bán lẻ
Nam Phương - 18/03/2018 11:01
Ngành bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến những cú bắt tay chiến lược giữa đối tác nước ngoài và doanh nghiệp Việt. Họ sẽ không tập trung vào bất kỳ kênh phân phối chủ đạo nào, mà sẽ cùng lúc kết hợp nhiều kênh khác nhau (omni-channels) để dễ dàng tiếp cận khách hàng nhất.

Hình thức đa kênh lên ngôi

Theo ông Fabrice Carrasco, Giám đốc Công ty Kantar Worldpanel, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặc biệt đến thị trường bán lẻ Việt Nam vì 36% dân số Việt ở độ tuổi dưới 40, được đánh giá là độ tuổi “vàng” để tiêu thụ các dịch vụ và sản phẩm. Ngày càng nhiều người tiêu dùng trẻ sở hữu smartphone, rành công nghệ, làm công việc văn phòng và đặt tiêu chí tiện lợi lên hàng đầu khi mua sắm.

Vingroup cũng gấp rút triển khai hình thức phân phối đa kênh, khi adayroi.com phân phối cả các sản phẩm điện máy, hàng tiêu dùng từ hệ thống Vinmart.

Ngoài ra, hòa theo xu hướng chung của thế giới, người tiêu dùng Việt sẽ không dựa hoàn toàn vào mạng xã hội hay website để mua hàng, cũng như không chỉ đơn thuần đến cửa hàng rồi chọn lựa sản phẩm. Theo ông Carrasco, người Việt sẽ phối hợp giữa các kênh online và offline để đưa ra quyết định mua hàng, như xem sản phẩm trước ở trang web, đọc đánh giá trên mạng xã hội rồi mới đến cửa hàng mua, hoặc lên mạng tìm nhận xét về sản phẩm khi đang có mặt ở cửa hàng để quyết định xem có nên mua hay không. 

“Những yếu tố này sẽ thay đổi cách các nhà bán lẻ nội và ngoại hoạt động tại thị trường Việt Nam”, ông Carrasco cho biết tại Hội nghị Vietnam Access Day do Công ty Chứng khoán Bản Việt tổ chức từ ngày 13 đến 15/3 tại TP.HCM. Theo vị chuyên gia này, các nhà bán lẻ sẽ không tập trung vào bất kỳ kênh phân phối chủ đạo nào, mà sẽ cùng lúc kết hợp nhiều kênh khác nhau (omni-channels) để dễ dàng tiếp cận khách hàng nhất.

Tiềm năng thị trường nông thôn Việt Nam

 Tại sự kiện Vietnam Access Day, các chuyên gia cho biết, thị trường nông thôn khá tiềm năng với các nhà bán lẻ, do có đến 60% dân số Việt Nam sinh sống ở khu vực này. Internet và smartphone đang dần phổ biến tại đây trong khi các thành phố lớn đang dần bão hòa với nhiều thương hiệu. Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel, có đến 30% người dân sống ở nông thôn sẵn sàng đi đến thị trấn và thành phố để vào siêu thị mua hàng.

Theo ông Bob Willett, các cửa hàng bán lẻ hiện đại có thể đặt cạnh các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa để tăng độ phủ sóng tại nông thôn. Tuy nhiên, ông Tú Vũ, Giám đốc 7-Eleven Việt Nam cho biết, việc bảo quản chất lượng thực phẩm, hàng tươi sống tại các thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa là khá phức tạp, đòi hỏi nhà bán lẻ phải xây dựng hệ thống phân phối hoàn toàn mới so với thị trường thành phố.

Cũng vì lý do đó, ngành bán lẻ sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ hợp tác hay M&A giữa các đối tác nội và ngoại nhằm hoàn thiện hệ thống phân phối bán lẻ tại Việt Nam. Đây là xu hướng chung trên toàn cầu, điển hình là gần đây “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon đã chi đậm 13,7 tỷ USD để mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods tại Mỹ, nhằm chính thức ra khỏi “thế giới ảo” và đặt chân vào ngành siêu thị. Sau khi mua lại Whole Foods, Amazon đã thử nghiệm hình thức siêu thị không cần thanh toán đầu tiên tại Seattle (Mỹ) và triển khai kế hoạch phân phối thực phẩm tươi sống đến tận nhà khách hàng trong vòng 2 tiếng sau khi đặt hàng online.  

Bên cạnh đó, đại gia bán lẻ của Mỹ là Walmart cũng ký kết chiến lược với website bán lẻ hàng đầu Trung Quốc là JD.com để cùng xây dựng hệ thống omni-channel hoàn chỉnh từ kho bãi, siêu thị đến website và các chương trình khuyến mãi chung tại thị trường tỷ dân. Cụ thể, người tiêu dùng Trung Quốc có thể đặt sản phẩm do Walmart bán tại Mỹ thông qua website JD.com, hoặc đến cửa hàng Walmart để nhận sản phẩm mua trên mạng. JD.com cũng kết hợp với đại gia công nghệ Tencent để hoàn thiện mảng thanh toán qua điện thoại, tạo nên một hệ thống omni-channel hoàn chỉnh.

Xu hướng M&A mới

Tại Việt Nam, thương vụ điển hình cho omni-channels trong những năm qua là Central Group của Thái Lan mua 49% hệ thống bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, sau đó cùng Nguyễn Kim mua lại trang thương mại điện tử Zalora. Sau thương vụ này, Zalora Việt Nam đổi tên thành Robins và phân phối các sản phẩm từ trung tâm thương mại Robins do Central Group điều hành. 

Theo ông Carrasco, việc đối tác ngoại M&A với doanh nghiệp Việt để phát triển omni-channels là xu hướng tất yếu, vì doanh nghiệp Việt có lợi thế am hiểu thị trường, hệ thống phân phối trong nội địa Việt Nam và lượng khách hàng có sẵn, trong khi đối tác ngoại có kinh nghiệm bán lẻ quốc tế và tiềm lực tài chính lớn.

Bên cạnh đó, để cạnh tranh với đối thủ ngoại, các doanh nghiệp Việt cũng sẽ gấp rút triển khai hình thức phân phối đa kênh này. Thế giới Di động, nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực điện máy tại Việt Nam, ra mắt trang thương mại điện tử vuivui.com vào năm ngoái, bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng và khuyến mãi qua website chính là thegioididong.com. Trang thương mại điện tử adayroi.com do Vingroup thành lập cũng phân phối các sản phẩm điện máy, hàng tiêu dùng từ hệ thống Vinmart và Vinpro của Tập đoàn này.

“Chúng tôi muốn phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người Việt, vậy nên ngoài việc có mặt tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, chúng tôi luôn tập trung đẩy mạnh các kênh phân phối khác như online và triển khai bán lẻ nhiều sản phẩm khác nhau”, ông Bob Willett, thành viên HĐQT Thế giới Di động cho biết.

Tin liên quan
Tin khác