Thần tốc… “gạo thành cơm”
Vụ việc thứ nhất xảy ra ở gói thầu cung cấp và lắp đặt “Hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh” thuộc công trình đầu tư trang thiết bị y tế cho khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM) với giá gói thầu khoảng 240 tỷ đồng. Ngay từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu tới quá trình chấm thầu, công bố kết quả gói kỹ thuật, nhà thầu là Công ty cổ phần Đầu tư y tế Việt Mỹ đã nhiều lần kiến nghị tới chủ đầu tư về việc hồ sơ mời thầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã rất khẩn trương thương thảo và ký hợp đồng với nhà thầu thắng thầu ngay sau khi thông báo kết quả chấm thầu kỹ thuật và nhà thầu lập tức tiến hành lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc.
Vụ việc thứ hai là gói thầu mua sắm máy phát điện 1.000 KVA thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Kiên Giang do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thống Nhất đóng vai trò là bên mời thầu. Gói thầu này có 5 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu. Sau khi công bố kết quả chấm hồ sơ kỹ thuật, duy nhất chỉ có nhà thầu Công ty TNHH Thương mại Nhơn Hoà được bên mời thầu đánh giá đáp ứng yêu cầu. Không phục với kết quả này, nhà thầu Công ty cổ phần Sáng Ban Mai gửi đơn kiến nghị tới chủ đầu tư và các cơ quan hữu trách của tỉnh Kiên Giang đề nghị xem xét nhiều bất cập trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể, bên mời thầu không hề đề cập tới lý do loại các nhà thầu bị loại trong thông báo kết quả chấm thầu kỹ thuật. Sau khi thắc mắc, bên mời thầu phúc đáp lý do loại nhà thầu Sáng Ban Mai vì hợp đồng mua bán nguyên tắc ký trực tiếp với nhà sản xuất máy phát điện có chữ ký không trùng khớp. Bên mời thầu còn cho rằng, tình trạng chữ ký không trùng khớp cũng xảy ra tại các bản gốc giấy chứng nhận đào tạo về lắp đặt, vận hành, bảo trì do hãng sản xuất máy phát điện cấp cho nhân sự chủ chốt.
Ngoài ra, bên mời thầu còn loại nhà thầu Sáng Ban Mai bởi giấy chứng nhận ISO 9001:2015 do Trung tâm chứng nhận Phù hợp (QUACERT) cấp cho nhà thầu đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình giải quyết kiến nghị sau đó, nhà thầu Sáng Ban Mai đã chứng minh được sự sai khác giữa các chữ ký và Trung tâm chứng nhận Phù hợp - QUACERT (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã khẳng định tính hợp lệ của giấy chứng nhận ISO cấp cho nhà thầu Sáng Ban Mai.
Điều đáng lo ngại là bên mời thầu bỏ qua nghi vấn về tính hợp pháp của giấy chứng chỉ ISO của nhà thầu thắng thầu, trong khi các chứng nhận đào tạo về lắp ráp, vận hành và bảo trì cho nhân lực chủ chốt của nhà thầu Nhơn Hòa được chứng minh là giả mạo và chính nhà thầu thắng thầu cũng không thể chứng minh được tính chân xác các tài liệu kể trên. Cùng với đó, liên quan tới nội dung ISO, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã xác nhận giấy chứng nhận ISO của nhà thầu Nhơn Hoà không có giá trị pháp lý.
Về kết quả đấu thầu, bên mời thầu Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thống Nhất thông báo: nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại Nhơn Hoà với giá trúng thầu cao hơn 13 tỷ đồng, tỷ lệ giảm thầu siêu thấp 0,373%.
Rất may, cơ quan hữu trách tỉnh Kiên Giang đã kịp thời vào cuộc và cuộc thầu này đã bị hủy, nếu không, một nhà thầu kém năng lực “đá bay” nhà thầu đủ năng lực để sắm cho chủ đầu tư (nhà nước) một món hàng siêu đắt.
Những hệ lụy khó gỡ
Các cuộc thầu kể trên kết thúc bằng những kịch bản khác nhau, nhưng đều chung một mẫu số là chấm thầu “thần tốc” và bên mời thầu phớt lờ kiến nghị chính đáng của một số nhà thầu để cuộc thầu vào tình trạng “sự đã rồi” có chủ đích.
Ở gói thầu hệ thống xạ trị, dù những sai phạm được các nhà thầu phát hiện và kiến nghị từ rất sớm, nhưng các kiến nghị chính đáng đó đã không được chủ đầu tư (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) nhìn nhận một cách khách quan để đưa ra các giải quyết thấu đáo. Thay vào đó, chủ đầu tư nhanh chóng giao kết hợp đồng để nhà thầu tiến hành lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc, dẫn tới hệ quả là, tới nay, bất chấp nhiều lần Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo giải quyết dứt điểm, các bên có trách nhiệm vẫn tiếp tục im lặng một cách khó hiểu.
Song hành cùng quá trình nâng cao tính minh bạch cho các cuộc thầu, Báo Đầu tư đã từng dẫn giải quy định pháp luật về xử lý vi phạm, kiểm tra, giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu, thì những sai phạm trên đây chỉ có thể giải quyết bằng việc tuyên bố cuộc thầu vô hiệu.
Với gói thầu mua sắm thang máy tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long, với phương châm “im lặng là vàng”, chủ đầu tư vẫn nhắm mắt tiến hành thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Vì thế, ngoài thiệt hại về kinh tế, cuộc thầu này còn để lại sự nghi ngại về tính thượng tôn pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu tại tỉnh Vĩnh Long.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, hơn 1 năm sau những ồn ào tại cuộc thầu này, vẫn bằng những biện pháp tương tự, nhà thầu Tập đoàn Thang máy Thăng Long đã trúng thêm nhiều gói thầu thang máy tại địa phương này.
Một chuyên gia đấu thầu tại TP.HCM chia sẻ, môi trường đấu thầu tại Việt Nam hiện tại đã được hoàn thiện đáng kể về khuôn khổ pháp lý, đạt được bước tiến đáng mừng về tính minh bạch, công bằng và cạnh tranh, song đâu đó vẫn còn nhiều cuộc thầu mà chủ đần tư hoặc bên mời thầu cố tình phớt lờ sai phạm bằng việc đẩy cuộc thầu đạt tốc độ thần tốc đang là điều rất đáng quan ngại.