Thông tin doanh nghiệp
Hỗ trợ đầu tư điện mặt trời áp mái
Thanh Hương - 30/07/2019 10:38
Đề xuất giữ nguyên mức giá 9,35 UScent/kWh được Bộ Công thương kỳ vọng sẽ có nhiều gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ở khu vực phía Nam, giảm bớt áp lực về cung cấp điện trong thời gian tới.
Trong dự thảo quyết định mới cho giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019, Bộ Công thương vẫn tiếp tục giữ nguyên mức giá mua điện mặt trời áp mái tương đương 9,35 UScent/kWh như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg.

Giá giữ nguyên, thêm hỗ trợ

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tới ngày 18/7, cả nước có 9.314 khách hàng đã lắp đặt điện mặt trời áp mái. Nếu ngoại trừ các đơn vị thuộc EVN có lắp điện mặt trời áp mái thì còn 9.110 khách hàng với tổng công suất lắp đặt là 186,37 MWp. Trong số này, có 7.550 khách hàng là hộ gia đình với công suất 40,46 MWp.

“Lượng khách hàng là hộ gia đình quan tâm tới điện mặt trời áp mái có sự tăng nhanh trong thời gian gần đây”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh của EVN nói.

Với thực tế nguồn cung cấp điện chưa được bổ sung các nguồn mới và lớn, trong khi nhu cầu dùng điện vẫn tăng mạnh, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái được Bộ Công thương xem là một giải pháp giảm áp lực cung cấp điện, bên cạnh sự chủ động của người dân để có thể đảm bảo các hoạt động sinh hoạt bình thường.

Theo ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, TP.HCM có tiềm năng 6.000 MWp điện mặt trời áp mái và tại khu vực Đà Nẵng con số này là cỡ 1.000 MW. Nếu có thêm 7.000 MWp điện mặt trời áp mái này đi vào hoạt động sẽ giúp giảm áp lực lớn trong cấp điện, nhất là khu vực miền Nam, bởi nằm ngay vùng tiêu thụ điện lớn và đang thiếu hụt nguồn cung cấp.

Cũng bởi thực tế này, nên trong dự thảo quyết định mới cho giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019, Bộ Công thương vẫn tiếp tục giữ nguyên mức giá mua điện mặt trời áp mái tương đương 9,35 UScent/kWh như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg.

Để thúc đẩy sự quan tâm của người dân với điện mặt trời áp mái, “Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam: hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà” do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) triển khai đã dành khoản tiền trị giá 14,5 triệu euro từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để tài trợ các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Theo đó, các hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/1 kWp - tương đương 15% chi phí lắp đặt và tối đa không quá 9 triệu đồng/hộ. Chương trình dự kiến kéo dài từ năm 2019 đến năm 2021.

“Cách đây 3 năm, đầu tư cho 1 kWp điện mặt trời áp mái có chi phí khoảng 50 - 60 triệu đồng, nhưng hiện nay, theo thống kê từ thực tế lắp đặt của chính EVN thì chỉ còn không quá 20 triệu đồng/kWp, bao gồm cả thiết bị và nhân công”, ông Dũng nói.

Lo chất lượng

Trên các diễn đàn về điện mặt trời, nhiều người rất quan tâm tới câu chuyện chất lượng thiết bị để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình sử dụng.

Anh Nguyễn Nam đến từ TP.HCM cho hay, gia đình anh đã lắp hệ thống điện mặt trời áp mái với tấm pin và inverter của Đức. Trước khi lắp được tư vấn là mỗi ngày thu được khoảng 16 kW điện và thời gian thu hồi vốn chỉ từ 4-6 năm. Tuy nhiên, thực tế khi sử dụng chỉ thu được từ 10-11 kW, nên thời gian thu hồi vốn có thể lên tới 10 năm.

Nhận xét về trường hợp này, anh Đức Phúc đến từ Đà Nẵng cho hay, với inverter 3 kW nếu đầu tư pin mặt trời với công suất 3 kWp thì ngày nắng tối thiểu phải thu được 17 kW, nếu lắp đúng hướng, góc độ và cấu hình inverter tốt. “Một hệ thống điện mặt trời tốt sẽ lấy lại vốn sau 5 năm là điều dễ dàng. Tuy nhiên, một hệ thống mặt trời tốt là từ giai đoạn tư vấn kinh tế, thiết kế hệ thống, đến trình độ của người đi lắp đều phải đảm bảo”, anh Đức Phúc nhận xét.

Trước thực tế có thể bùng nổ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại các hộ gia đình và các đơn vị muốn kinh doanh điện để bán lại cho EVN, Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 cũng đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng Bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm, hay thực hiện các chương trình đạo tạo và cấp chứng chỉ điện mặt trời áp mái.

Đây sẽ là tiền đề để các hệ thống điện mặt trời áp mái có hiệu suất khai thác tốt nhất và không tạo ra những xung đột khi cấp điện lên lưới điện quốc gia, cũng như gây mất an toàn cho các thiết bị dùng điện của gia đình.

Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 gồm 5 hợp phần

Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường

Xây dựng Bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm

Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm

Thực hiện các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ điện mặt trời áp mái

Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và chiến lược truyền thông.

Tin liên quan
Tin khác